Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, bệnh dễ bùng phát thành dịch và do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính là từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Ảnh minh họa (Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh)

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học và đến các nơi vui chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 22/9/2018 Quảng Ninh đã có 274 ca mắc tay chân miệng và đang có chiều hướng gia tăng. Tại huyện Đầm Hà đã ghi nhận 04 ca nghi ngờ mắc tay chân miệng. Nhằm kịp thời phòng chống bệnh, ngăn chặn nguy cơ bùng phát thành dịch, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện,vật tư, hóa chất cho công tác điều trị bệnh nhân và sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra; Tích cực thực hiện công tác truyền thông, tư vấn, phát tờ rơi trực tiếp tại Trung tâm cũng như các Trạm Y tế và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn huyện.

Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng, cha mẹ và người chăm sóc, trông giữ trẻ cần chú ý đến một số dấu hiệu như sau:

Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virut là từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét, đau rát làm trẻ khó ăn uống. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu bị bệnh. Vì vậy, cần phát hiện bệnh sớm để cách ly, không đưa trẻ đến trường học và các nơi vui chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh. Đặc biệt khi thấy có những dấu hiệu nghi ngờ mắc tay chân miệng, phụ huynh không được tự ý dùng các loại thuốc mà cần thiết phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có văc xin phòng bệnh đặc hiệu, để phòng tránh lây lan bệnh và có thể bùng phát thành dịch người dân cũng cần thực hiện: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác…

Tổng số người đã xem bản tin này: 1069