Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng mạn tính gây ra bởi vi khuẩn lao, chủ yếu gây bệnh ở phổi (lao phổi chiếm trên 80%) nhưng cũng có thể gây bệnh ở bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể như màng phổi, màng não, thận-tiết niệu, xương khớp, hạch…Bệnh lao nếu không được điều trị kịp thời có thể gặp một số biến chứng như: Tràn dịch, tràn khí màng phổi, ho ra máu. Những biến chứng này khiến cho việc điều trị lao phổi khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Sau khi chữa khỏi, lao phổi vẫn có thể để lại một số di chứng như: Suy hô hấp mãn, giãn phế quản, u nấm phổi, tràn khí màng phổi…

Người mắc bệnh lao phổi khi ho, khạc nhổ làm bắn ra những hạt nước bọt nhỏ li ti có mang theo vi khuẩn lao bay vào không khí và lưu chuyển đi khắp nơi. Khi người khác hít phải vi khuẩn lao trong không khí sẽ bị nhiễm lao, nếu sức đề kháng của cơ thể tốt, các vi khuẩn lao bị khống chế “ở trạng thái không hoạt động” nên không phát triển được để có thể gây bệnh. Khi sức đề kháng của cơ bị suy giảm (do suy dinh dưỡng, nhiễm HIV, những người già yếu, người mắc bệnh tiểu đường, trẻ em dưới 5 tuổi…) là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh lao.

Hiện tại, theo số liệu thông kê Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đang quản lý và điều trị 20 bệnh nhân lao trên địa bàn. Để chủ động phòng chống lây nhiễm lao cho cộng đồng, Trung tâm Y tế Đầm Hà đã thường xuyên tuyên truyền lồng ghép, tư vấn về bệnh lao trong những chiến dịch truyền thông, các đợt khám sức khỏe trên địa bàn các xã, thị trấn; Hướng dẫn người bệnh dùng thuốc theo nguyên tắc: “phối hợp thuốc, đúng, đủ, đều”; Xét nghiệm đầy đủ, đúng hẹn theo hướng dẫn của cán bộ y tế; Thường xuyên giám sát sự tuân thủ điều trị của người bệnh và trong gia đình người mắc lao có trẻ em dưới 5 tuổi để tư vấn gia đình điều trị dự phòng lao theo đúng hướng dẫn của Bộ y tế; Tăng cường công tác khám phát hiện, chuyển gửi bệnh nhân đến đúng chuyên khoa để sàng lọc; Theo dõi, điều trị, quản lý bệnh nhân lao theo hướng dẫn của chương trình phòng chống lao quốc gia; Phối hợp với Phòng Y tế huyện chỉ đạo Trạm Y tế xã, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống bệnh lao cho nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như phát thanh trên hệ thống loa FM, cung cấp tờ rơi, tài liệu truyền thông…

Phòng chống lây nhiễm lao một cách hiệu quả trong cộng đồng không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn cần sự hợp tác của cả cộng động. Do vậy, người dân cần chú ý một số dấu hiệu của bệnh lao như sau: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần, ho ra máu, sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm, đau tức ngực, gầy sút cân…Nếu có bất kỳ dấu hiệu kể trên cần phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị kịp thời. Khi mắc lao phải điều trị đủ thời gian, nếu tự ý ngừng thuốc bệnh không khỏi, nhanh tái phát trở lại và đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn lao trở nên kháng lại các thuốc chống lao và việc điều trị về sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Người mắc bệnh cần chú ý: che miệng và quay mặt về phía khác khi ho, khi hắt hơi; Không khạc nhổ đờm bừa bãi, cần khạc đờm vào giấy rồi gói lại và đốt đi; Nếu có điều kiện thì ngủ ở phòng riêng, thông thoáng; Những người trong gia đình có bệnh nhân lao cũng cần tới cơ sở y tế khám, phát hiện xem có mắc bệnh hay không, đối với gia đình có trẻ em cần tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ.

Tổng số người đã xem bản tin này: 1356

Trả lời