Vào 17 giờ 30 phút ngày 20 tháng 05 năm 2022 Trung tâm y tế Đầm Hà tiếp nhận 02 trường hợp cấp cứu do đuối nước tại xã Dực Yên – huyện Đầm Hà là cháu H.T.H 6 tuổi và H.N.K 42 tháng tuổi . Tình trạng lúc vào cấp cứu các cháu ở trạng thái nằm im bất động tím tái môi và ngọn chi. Chẩn đoán Đuối nước/Ngưng tim/Ngừng thở.

Bệnh nhi được Xử trí: Truyền dịch, tiêm adrenalin, đặt Nội khí quản, bóp bóng hỗ trợ oxy, đặt sonde dạ dày, sonde bàng quang, ép tim, sốc điện. Sau 30 phút cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp bệnh nhi không tiến triển. Sau khi nghe bác sỹ giải thích về tình trạng bệnh. Gia đình xin cho các bệnh nhi về nhà.

Theo số liệu thống kê, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của 360.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó, 90% số trường hợp xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Một nửa số trường hợp đuối nước xảy ra ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Đuối nước là loại tai nạn nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỉ lệ trẻ em đuối nước tại Việt nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển.

Tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè.

Đặc biệt, trong thời điểm thời tiết nắng nóng kéo dài, các em thường rủ nhau đi tắm ở những khu vực dễ xảy ra đuối nước nên đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra đang là hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em trong dịp hè.

* Một số cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt nước

Khi trẻ bị ngạt nước (đuối nước) việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống trẻ, tránh được di chứng não nặng nề sau này.

– Người lớn cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Sau đó, người sơ cứu phải lay gọi trẻ. Nếu trẻ không đáp ứng hoặc khi quan sát lồng ngực, thấy không di động, tức là trẻ đã ngưng thở. Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng ấn tim và hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa xương dưới ức phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2: tức là sau 30 lần ấn tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Nếu cùng lúc có 2 người cấp cứu thì thực hiện theo tỉ lệ 15:1.

– Khi thổi ngạt cho trẻ, người thổi phải áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ (đối với trẻ nhỏ). Đối với trẻ lớn, áp sát miệng vào miệng trẻ và dùng tay bịt mũi trẻ để hơi thở đi vào phổi. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giây. Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5-10 phút.

Thao tác ấn tim, hà hơi thổi ngạt khi cấp cứu trẻ bị đuổi nước

– Nếu không hiệu quả, nên gọi cấp cứu 115 và tiếp tục ép tim, thổi ngạt trong khi chờ nhân viên y tế đến cấp cứu nâng cao. Nếu tự di chuyển, nên dùng ô tô, taxi và đặt trẻ lên mặt phẳng cứng, lúc này cũng tiếp tục ép tim, thổi ngạt cho đến khi đến được cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp đưa trẻ lên bờ, thấy trẻ phản ứng đáp lại hoặc khóc có nghĩa là trẻ vẫn còn thở được. Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng lau khô người trẻ, ủ ấm và đưa đến bệnh viện. Trên đường đi, trẻ được đặt ở tư thế nằm nghiêng để đờm nhớt chảy ra ngoài.

Người nhà phải liên tục quan sát lồng ngực của trẻ, nếu thấy bất động cần thực hiện ngay thao tác ấn tim, hà hơi thổi ngạt.

Một trong những yếu tố quan trọng khác để hạn chế tai nạn đuối nước thì chính các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ. Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các ao, hồ, sông, suối; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác… Với sự vào cuộc tuyên truyền quyết liệt của lực lượng Công an xã, mỗi hộ gia đình đã ý thức hơn về phòng tránh đối nước.

* Phụ huynh cần làm gì để phòng tránh đuối nước ở trẻ

Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đang nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại về người do nguyên nhân đuối nước gây ra. Tuy nhiên, năm nay mới chỉ bước vào mùa nắng, nóng mà liên tiếp các sự cố, tai nạn đuối nước xảy ra cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em, qua đây có thể thấy công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do đuối nước gây ra cần phải được quan tâm hơn nữa, một số các biện pháp cụ thể như sau:

Một là, cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở và hộ gia đình về sự nguy hiểm của tai nạn đuối nước đối với trẻ nhỏ, qua đó nắm được trách nhiệm của mình trong việc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục về kiến thức đuối nước, các kỹ thuật, kỹ năng đối phó với các tình huống đuối nước phù hợp với từng lứa tuổi. Mặt khác, phụ huynh phải có sự giám sát chặt chẽ với con em mình đồng thời dạy cho trẻ biết được mối nguy hiểm của đuối nước, không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.

Hai là, phải có các biển cảnh báo, biển cấm và các giải pháp để đảm bảo an toàn như làm rào chắn, chặn lối vào các khu vực dễ xảy ra đuối nước như: Sông, suối, ao, hồ, hố sâu, thác nước, nơi dễ bị trượt, ngã nguy hiểm… Nhà có trẻ nhỏ không nên để thùng, bể, lu nước… nếu bắt buộc phải có thì phải có nắp đậy để trẻ em không mở nắp được.

Ba là, tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ nhỏ, trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết để tự cứu mình khi bị rơi xuống nước và lồng ghép nội dung bơi và kĩ năng tự cứu vào trong nhà trường từ cấp tiểu học. Tuy nhiên, theo lời khuyên của học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) thì không nên cho trẻ bơi trước 4 tuổi vì lúc này trẻ không đủ các kỹ năng cần thiết.

Bốn là, phụ huynh (người lớn) phải trang bị cho mình về các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, lấy dị vật trong miệng, mũi nạn nhân… để sơ cứu người bị đuối nước. Chú ý một số phương pháp cứu người đuối nước dân gian như việc sốc nước, vác nạn nhân lên vai chạy… đã được chứng minh là những việc làm không đúng và cần tránh để không làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu người bị nạn.

Năm là, ngoài kỹ năng bơi, phụ huynh (người lớn) cũng cần trau dồi các kỹ năng cứu người bị đuối nước trong các tình huống người bị nạn còn tỉnh và bất tỉnh. Một số phương pháp cứu người bị đuối nước như: Bơi dìu người bị nạn, quăng phao, quăng dây,… hay các cách phá khóa khi người bị nạn ôm, kéo…

Để phòng chống đuối nước với trẻ em, chuyên gia khuyến nghị, các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi. Cụ thể, cần làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm… để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.

Các trường phổ thông cần đưa nội dung về phòng, chống đuối nước, thương tích ở trẻ em vào nhắc nhở thường xuyên trong các buổi sinh hoạt ở lớp, sinh hoạt chào cờ.

Thời điểm hiện nay sắp đến kỳ nghỉ hè của các bé nên việc tham gia các buổi sinh hoạt hè tại các xã, thị trấn là cần thiết đặc biệt nhiều xã tổ chức lớp học bơi cho trẻ. Không chỉ góp phần tạo sân chơi lành mạnh mà còn là cách quản lý học sinh hiệu quả trong những tháng nghỉ hè, hạn chế những rủi ro, nguy hiểm tiềm ẩn khi các em tự tìm nơi vui chơi cho mình./.

Tổng số người đã xem bản tin này: 1059

Trả lời