Tính đến giữa tháng 4, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận gần 4.500 ca mắc Sốt xuất huyết Dengue trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019, năm Sốt xuất huyết bùng phát thành dịch vớI hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca.
Với số ca mắc Sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh có thể nhiều hơn được số ca ghi nhận. Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do các ca bệnh nhẹ chưa được thống kê. Thành phố cũng đã ghi nhận 02 trường hợp tử vong vì Sốt xuất huyết. Nguyên nhân dẫn đến tử vong là bệnh nhân được phát hiện và nhập viện trễ.
Nguyên nhân gây nên bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết là do virus Dengue gây ra. Bệnh tập trung chủ yếu vào mùa mưa và vùng nhiệt đới – đây là khoảng thời gian và địa điểm sinh trưởng lý tưởng của loài muỗi vằn Aedes aegypti vốn là vật trung gian truyền bệnh.
Đầm Hà là một huyện miền núi khí hậu vừa chịu ảnh hưởng của núi cao vừa mang tính chất biển. Độ ẩm trên 80%, lượng mưa trung bình năm lớn trên 2000mm/năm. Sắp bắt đầu vào mùa mưa nên là điều kiện lý tưởng để các loại muỗi sinh sôi nảy nở trong đó có loại muỗi vằn Aedes aegypti vốn là vật trung gian truyền bệnh.
* Nhận biết các giai đoạn của Sốt xuất huyết :
Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết khá đa dạng, có thể từ nhẹ cho đến nặng. Các giai đoạn sốt xuất huyết bao gồm:
– Giai đoạn sốt: diễn ra trong khoảng 3 ngày đầu theo các triệu chứng sau:
+ Người bệnh đột nhiên bị sốt cao, có khi lên tới 39 – 40 độ C.
+ Có thể bị buồn nôn, nôn mửa, chán ăn.
+ Đau nhức đầu, hốc mắt, các khớp, mỏi cơ, uể oải, có thể có hiện tượng viêm long đường hô hấp trên.
+ Có khả năng xuất hiện các nốt xuất huyết ở dưới da.
– Giai đoạn nguy hiểm: giai đoạn này xảy ra ở ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Bệnh nhân có xu hướng giảm sốt hoặc hết sốt và rất nhiều người hiểu nhầm rằng bệnh đã thuyên giảm.Tuy nhiên, trong các giai đoạn sốt xuất huyết thì đây là lúc bệnh mới bắt đầu thể hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Ở trường hợp sốt xuất huyết điển hình, bệnh nhân có thể sẽ xuất hiện một số biểu hiện như sau:
+ Các vết phát ban nổi dần, nhiều lên từ nhẹ tới nặng, cảm thấy ngứa ngáy.
+ Chảy máu cam, hoặc chảy máu lợi, phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh.
+ Xuất huyết đường tiêu hóa: đi ngoài phân lẫn máu hoặc phân đen, nôn mửa ra máu tươi hoặc cục máu đông.
+ Xuất huyết trong ổ bụng hoặc xuất huyết não gây nguy hiểm tới tính mạng.
+ Hạ huyết áp do thiếu nước, không bù đủ dịch, giảm khối lượng tuần hoàn dẫn tới sốc.
+ Các biểu hiện khác: li bì hoặc kích thích, vật vã, đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít, đầu đau dữ dội,…
Các triệu chứng trên là những triệu chứng có thể gặp ở các trường hợp sốt xuất huyết điển hình. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân không có các triệu chứng trên mà có thể tự khỏi hoặc là bệnh diễn biến âm thầm rồi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm một cách đột ngột.
– Giai đoạn hồi phục: Người bệnh đã khỏi sốt được 48 giờ trở lên, cơ thể đã đỡ mệt, tiểu tiện nhiều, thèm ăn, tiểu cầu tăng.
Với những biểu hiện của các giai đoạn sốt xuất huyết nêu trên có thể nói đây là căn bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh và đa dạng về triệu chứng. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do sốt xuất huyết mỗi năm vẫn ở mức cao. Khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh không nên lơ là mà phải theo dõi và đi thăm khám càng sớm càng tốt để tránh gặp phải các biến chứng nặng.
* Các biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue
– Sốc do mất máu, thoát huyết tương. Nguyên nhân là do virus Dengue làm tăng tính thấm mao mạch gây thoát huyết tương, làm cô đặc máu dẫn đến sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch, gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê. Thoát huyết tương có thể bị tràn, xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp, nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa
– Biến chứng gây tụt huyết áp đột ngột do mất máu và thoát huyết tương nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, rất dễ vong.
– Suy tim, suy thận. Từ các biến chứng trên có thể dẫn đến suy tim do chảy máu liên tục, khiến tim không đủ máu tuần hoàn. Một khi tim không đủ sức bơm máu, cộng với dịch huyết tương xuất huyết khiến màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng, thêm vào đó thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp.
– Sốt xuất huyết có thể dẫn đến 2 biến chứng về mắt, đó là mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, làm cho mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực giảm sút hoặc xuất huyết trong dịch kính mắt (dịch kính mắt là một loại chất nhầy trong nhãn cầu giúp con người nhìn rõ mọi vật). Khi bị xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như mù mắt.
– Với phụ nữ đang mang thai, nếu bị sốt xuất huyết trong những ngày đầu mắc bệnh, bà bầu có thể bị sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Những ngày tiếp theo, bà bầu có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến hiện tượng chảy máu. Nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sẩy thai.
* Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
Hiện nay vì chưa có thuốc đặc trị nên người bị sốt xuất huyết chủ yếu được điều trị triệu chứng kết hợp với chế độ chăm sóc. Dưới đây là một số điều cần lưu ý:
– Đối với trường hợp bị nhẹ: bệnh nhân tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. trong khoảng 3 – 7 ngày cần theo dõi các triệu chứng của bệnh.
– Nếu xuất hiện các dấu hiệu như: lờ đờ, li bì, vật vã, tiểu ít, nôn nhiều, đau vùng gan, xuất huyết trong với biểu hiện đại tiện ra máu hoặc phân đen, nôn máu thì cần khẩn trương chuyển người bệnh đi cấp cứu tại bệnh viện.
– Người mẹ nếu bị sốt xuất huyết vẫn cho con bú bình thường được.
– Trẻ em khi bị sốt xuất huyết thường biểu hiện nặng như dễ bị sốc hoặc tái sốc hơn so với người lớn. Nếu trẻ em đã dần hết sốt vào ngày thứ 4 và không kèm theo biểu hiện nào khác thì có nghĩa là sốt xuất huyết đã bắt đầu thuyên giảm, nhưng vẫn cần theo dõi tiếp. Trong trường hợp bé bị li bì, lừ đừ, xuất huyết niêm mạc, nôn nhiều, đau vùng gan, tiểu ít,… thì phải đưa bé tới viện.
* Chế độ chăm sóc cho người bị sốt xuất huyết:
– Bệnh nhân không nên đi lại nhiều, cần nghỉ ngơi tại giường.
– Không nên ăn những thức ăn có màu đỏ, đen hoặc nâu để tránh nhầm lẫn với hiện tượng xuất huyết tiêu hóa khi đi đại tiện phân đen.
– Ăn thức ăn dễ tiêu hóa, tăng cường bổ sung nước.
– Nếu điều trị ngoại trú tại nhà thì cần có người bên cạnh chăm sóc và theo dõi chặt chẽ các biểu hiện. Nếu bệnh không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng lên cần đưa bệnh nhân tới khám ngay tại các cơ sở y tế và bệnh viện gần nhất.
* Cách phòng tránh dịch sốt xuất huyết
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Hiện nay trên địa bàn huyện chưa ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết nào nhưng với điều kiện khí hậu sắp vào mùa mưa nóng ẩm như hiện nay rất có thể sẽ bùng phát thành dịch nếu không có các biện pháp phòng tránh kịp thời. Triệu chứng của bệnh dễ nhầm với một số sốt virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.