Thời tiết hiện nay đang mùa hè nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, đan xen mưa rào nhiều, môi trường ẩm thấp tạo điều kiện lý tưởng cho mầm bệnh lây lan, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh và là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.
Nguyên nhân bệnh Ngộ độc thực phẩm: là do thức ăn của con người bị nhiễm khuẩn, nhiễm chất hóa học và những yếu tố có hại khác như : Vi khuẩn; vi rút; ký sinh trùng gây ngộ độc; các độc tố tự nhiên…Các tác nhân gây độc khác xuất phát từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm. ngộ độc thực phẩm có thể do chất bảo quản, chất ép chín trái cây nhanh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phụ gia…
Triệu chứng bệnh Ngộ độc thực phẩm: Sau khi ăn thức ăn nhiễm độc, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm sẽ biểu hiện như sau:
Đau bụng quằn quại
Buồn nôn, nôn mửa
Tiêu chảy
Sốt
Đau đầu.
Nếu bệnh nặng hơn sẽ có các triệu chứng sau:
Tiêu chảy ra máu
Dấu mất nước: môi khô, mắt trũng, khát nước, mạch nhanh, thở nhanh.
Trụy tim mạch
Sốc nhiễm khuẩn.
Những đối tượng nguy cơ dễ bị Ngộ độc thực phẩm:
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuổi: Do chưa có hệ miễn dịch hoàn thiện nên dễ mắc phải ngộ độc thực phẩm.
Người già: Sự lão hóa của tuổi già làm cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi, không thể chống lại vi khuẩn gây hại.
Phụ nữ mang thai: Hệ tuần hoàn và chuyển hóa bị thay đổi khiến dễ bị ngộ độc thực phẩm.
Những người có hệ miễn dịch yếu cũng có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm; Những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, gan. AIDS.
Phòng ngừa bệnh Ngộ độc thực phẩm
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm bao gồm nhiều quá trình như: chọn thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm chưa chế biến và đã chế biến, giữ vệ sinh trong lúc chế biến thức ăn, ăn uống hợp vệ sinh với nguyên tắc ăn chín uống sôi.
1. Lựa chọn thực phẩm an toàn:
Cần lựa mua những thực phẩm tươi sống, không bị ôi thiu, không bị kém chất lượng, không hết hạn sử dụng, không có xuất xứ rõ ràng.
Không dùng những thức ăn có chất độc như cá nóc, khoai tây mọc mầm, nấm lạ… và những thực phẩm nhiễm chất độc hóa học.
2. Bảo quản kỹ lưỡng thực phẩm:
Bảo quản những thức ăn chưa chế biến và đã chế biến trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp.
Không nên để thức ăn ở ngoài quá hai giờ đồng hồ đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nắng nóng không nên để ngoài quá một giờ đồng hồ.
3. Chế biến thức ăn đúng cách và an toàn:
Làm chín thức ăn đúng cách, ở nhiệt độ phù hợp. Nấu chín thức ăn, đun sôi nước trước khi sử dụng. Rửa các loại trái cây tưới trực tiếp dưới vòi nước đang chảy.
Rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm, trong quá trình chế biến và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống.
Dụng cụ chế biến thức ăn cũng phải sạch sẽ, rửa lại bằng xà phòng và nên rửa với nước ấm.
4. Ăn uống hợp vệ sinh:
Ăn uống ở những nơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những quán ăn bụi bẩn, ẩm thấp…
Thực hiện ăn chín uống sôi.
Cách xử trí khi xảy ra ngộ độc thực phẩm
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần biết một số động tác sau:
Đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ, Lưu giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu), và báo ngay cho cơ quan chức năng đến điều tra xác định nguyên nhân.