Hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá với sức khoẻ, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi phí cho thực phẩm. Theo tổ chức Y tế thế giới, việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá có liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh như ung thư, tim mạch, ước tính mỗi năm gây ra 60.000 ca bệnh.

Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 -17 tuổi hút thuốc lá năm 2019 là 2,6% đã tăng lên 3,5% vào năm 2022. Theo điều tra, 43,4% là tỷ lệ nam giới trưởng thành ở Việt Nam hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới đã giảm còn 1,2 – 1,3%. Thuốc lá điện tử ngày càng xuất hiện nhiều tại Việt Nam.
Trong khói thuốc lá có khoảng 4.000 chất hoá học, trong đó có 43 chất gây ung thư, nguy hiểm nhất là chất hắc ín, Nicotine, chất gây nghiện. Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu, 90% trường hợp được chẩn đoán K phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá; 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nguyên nhân từ khói thuốc.

Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh sau:
– Bệnh tim mạch chiếm hàng đầu trong các bệnh do khói thuốc: tạo ra mảng xơ vữa, tổn thương lòng mạch, gây viêm tắc mạch máu, gây đau nhức chân tay, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, giảm trí nhớ, giảm trí thông minh và khả năng học tập…
– Bệnh ung thư: Chủ yếu là ung thư phế quản phổi (chiếm 90%), ung thư vòm họng, miệng, thực quản (hút thuốc kèm theo uống rượu, nguy cơ ung thư vòm họng rất cao), ung thư ruột… Ở người hút thuốc, bệnh ung thư dễ phát triển hơn so với người không hút thuốc.
– Bệnh hô hấp: Bệnh phổi mãn tính, tắc nghẽn thông khí, viêm phế quản mãn tính. Đặc biệt ở người hút thuốc còn gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới môi trường, những người xung quanh hít phải cũng bị nhiễm độc, nguy hiểm nhất là đối với các cháu nhỏ.
– Bệnh răng và lợi: Viêm loét, cao răng, các mảng bám vào răng làm cho răng dễ bị lung mủ, dễ rụng tự nhiên hơn.
– Các bệnh khác: Tăng nguy cơ loãng xương gây đau nhức thân thể, khó ngủ và giảm thể lực cơ thể do thiếu ôxy mãn tính.
– Đối với nam giới: Giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh.
– Đối với phụ nữ và bào thai: Tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, dị dạng thai nhi. Nguy cơ bị thiếu cân sẽ cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc.
– Đối với trẻ em: Dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng do bị giảm tiết sữa ở người mẹ.
LỢI ÍCH THU ĐƯỢC SAU KHI CAI THUỐC:
– Trong vòng 8 giờ, bạn thở dễ dàng hơn.
– Trong vòng 2 ngày, khứu giác và vị giác của bạn cảm nhận tốt hơn.
– Trong vòng 2-3 tuần, cơ thể bạn lưu thông tốt hơn, bạn có thể đi bộ dễ dàng hơn và phổi của bạn bắt đầu làm việc tốt hơn.
– Trong vòng 3 tháng, cơ thể bạn có thể phòng chống nhiễm trùng tốt hơn.
– Trong vòng 1 năm, nguy cơ nhồi máu cơ tim của bạn được giảm đi một nửa.
– Trong vòng 5 năm, nguy cơ đột quỵ giảm xuống giống như một người chưa bao giờ hút thuốc.
MẸO GIÚP CAI THUỐC LÁ TẠI NHÀ HIỆU QUẢ
– Uống thật nhiểu nước: Việc uống nước lọc và nước khoáng, hay trà có nồng độ cafein thấp sẽ giúp đào thải nicotine có trong máu rất nhanh, giảm đi nhu cầu dùng thuốc lá.
– Nhai kẹo cao su: Việc nhai kẹo cao su thường xuyên sẽ đánh lừa bộ não giúp người hút thuốc từ từ cai thuốc lá.
– Đánh răng thường xuyên: Đánh răng khi cảm thấy hút thuốc sẽ làm sạch khoang miệng, làm giảm ham muốn hút thuốc, đặc biệt dùng kem đánh răng vị bạc hà sẽ hiệu quả hơn.
– Sử dụng nước súc miệng: Cơn thèm thuốc lá xảy ra khi hơi thuốc còn đọng lại trong miệng, việc dùng nước súc miệng khi muốn hút thuốc làm sạch nicotine trong răng miệng và giảm thói quen hút thuốc.
– Tập thể dục mỗi ngày: Tập thể dục mỗi ngày giúp cơ thể trở nên khoẻ mạnh, tỉnh táo, bớt đi sự thèm muốn hút thuốc lá hiệu quả.
– Thay đổi chế độ ăn: Thêm cà rốt, cần tây, sữa vào khẩu phần ăn hàng ngày giúp cơ thể đào thải nicotine dễ dàng hơn. Đồng thời thêm các thực phẩm chứa vitamin C giúp loại bỏ vết thâm do thuốc.
Vì một cộng đồng không khói thuốc! Vì sức khỏe của mỗi người, vì tương lai con em chúng ta, vì sức khỏe của chính bản thân mình, bạn hãy bỏ thuốc lá hoàn toàn! Chúng ta chọn thực phẩm, chứ không chọn thuốc lá!

ĐTC

Tổng số người đã xem bản tin này: 386

Trả lời