Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Dại trên địa bàn huyện Đầm Hà, từ ngày 25/03/2024, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà triển khai tiêm huyết thanh kháng Dại cho đối tượng bị phơi nhiễm với động vật nghi Dại có chỉ định tiêm huyết thanh kháng Dại, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trên địa bàn huyện, góp phần kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh Dại trên địa bàn huyện Đầm Hà.

Mùa hè sắp tới, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh, trong khi thói quen nuôi chó, mèo thả rông và tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi chưa được người dân thực sự quan tâm, vì vậy nguy cơ chó mèo mắc dại cắn sang người là rất lớn.

Năm 2024, tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến. Từ đầu năm 2024 đến nay, nước ta đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong do bệnh Dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (11 trường hợp).

Tại Quảng Ninh, từ 01/01/2024 đến nay, chưa ghi nhận ca mắc dại nào trên người. Tuy nhiên, toàn tỉnh ghi nhận 05 ổ dịch dại trên chó, trong đó có Hạ Long 01 ổ, Bình Liêu 01 ổ, riêng huyện Đầm Hà ghi nhận 03 ổ (xã Tân Bình, Dực Yên và thị trấn Đầm Hà).

Tại huyện Đầm Hà tính từ 01/01/2024 đến 19/3/2024, có 119 trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại được chỉ định tiêm vắc xin phòng dại, tăng 74 trường hợp trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Gần đây nhất, tại xã Dực Yên xuất hiện 01 con chó dại chạy vào trường cắn và làm bị thương 14 người (01 thầy giáo, 13 học sinh). Hiện 14 trường hợp bị chó cắn đều đã được tiêm vắc xin và huyết thanh phòng bệnh.

Cán bộ Y tế khám, tư vấn trước tiêm phòng tại Phòng tiêm chủng vắc xin dịch vụ – TTYT huyện Đầm Hà

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền từ động vật sang người, thông qua tiếp xúc trực tiếp với những chỗ da bị trầy xước của người. Nguyên nhân lây truyền chủ yếu là do chó cắn (chiếm 96%), tiếp theo là mèo và một số động vật hoang dã. 100% các trường hợp mắc dại đều tử vong do chưa có thuốc điều trị. Hằng năm, thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong do bệnh dại, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 năm (từ 2011 – 2021), Việt Nam ghi nhận hơn 900 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cho tới nay, bệnh Dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bệnh Dại thường bùng phát mạnh vào thời điểm mùa hè, nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, bệnh Dại thường phát triển trái mùa tại nhiều địa phương. Một phần nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết, tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân khiến tình hình dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát.

Từ ngày 25/03/2024, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã triển khai tiêm huyết thanh kháng dại (SAR) tại Phòng tiêm chủng vắc xin dịch vụ của trung tâm cho các trường hợp: Bệnh nhân bị chó dại cắn; Súc vật có triệu chứng ốm, nghi mắc dại; Vết cắn, cào gần vùng thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ; Vết cắn, cào ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục; Đa vết thương, vết thương tổn thương sâu…Chó chạy rông, mất tích không theo dõi được. Thay vì phải chuyển đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh như trước đây, hiện nay người dân có thể tiêm huyết thanh kháng dại ngay tại địa bàn huyện. Điều này sẽ làm giảm chi phí đi lại, giảm giá thành và thời gian, đảm bảo các đối tượng phơi nhiễm sẽ được tiêm phòng sớm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và phác đồ của Bộ Y tế, đảm bảo cho người dân được chăm sóc y tế toàn diện và góp phần kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh Dại trên địa bàn huyện Đầm Hà.

Vắc xin phòng Dại và huyết thanh kháng Dại đã có sẵn tại TTYT Đầm Hà

Huyết thanh kháng dại (SAR) là gì?

Huyết thanh kháng dại là một dung dịch không màu hoặc màu vàng nhạt, chứa kháng thể kháng vi-rút dại. Huyết thanh kháng dại (SAR) có tác dụng tạo miễn dịch thụ động, làm chậm sự lan tỏa của vi- rút dại và bảo vệ được người bệnh cho tới khi cơ thể tự sinh ra miễn dịch sau khi tiêm vắc xin phòng Dại.

Huyết thanh kháng dại (SAR) được dùng trong trường hợp cho các đối tượng bị phơi nhiễm với vi-rút dại như tiếp xúc với súc vật (chó, mèo..) đã xác định hoặc nghi ngờ mắc dại.

Huyết thanh kháng dại được dùng trong trường hợp nào:

– Bệnh nhân bị chó dại cắn.

– Súc vật có triệu chứng ốm, nghi mắc dại.

– Vết cắn, cào gần vùng thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ.

– Vết cắn, cào ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục.

– Đa vết thương, vết thương tổn thương sâu…

– Chó chạy rông, mất tích không theo dõi được.

Tác dụng không mong muốn của huyết thanh kháng dại SAR:

Một số tác dụng không mong muốn đối với người bệnh dại sau khi tiêm huyết thanh kháng dại gồm:

– Tại chỗ: Tổn thương loét hay căng cứng cơ có thể xảy ra ở vị trí tiêm. Phản ứng có thể tự khỏi trong vòng 3 ngày.

– Toàn thân: có thể sẽ sốt nhẹ, nổi  mề đay, ban đỏ, phù nề, đau khớp và mệt mỏi.

– Hiếm gặp: Choáng, sốc phản vệ, viêm khớp, viêm thận.

– Biểu hiện phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay tức thời sau khi tiêm huyết thanh, sau vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí sau 10 ngày.

Để huyết thanh kháng dại phát huy tối đa tác dụng thì người bị súc vật cắn cần phải tiêm đúng thời điểm và tuân thủ chặt chẽ phác đồ tiêm vắc xin phòng dại của bác sĩ. Việc tiêm đúng liều, đúng thời điểm đóng vai trò hết sức quan trọng trong điều trị dự phòng bệnh dại.

 

Tổng số người đã xem bản tin này: 216

Trả lời