Năm 2024, ngày Thế giới phòng, chống AIDS có chủ đề là: “Đảm bảo nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”. Và để hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã phát động trong cả nước Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 (từ ngày 10/11 – 10/12/2024) với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Chủ đề tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024

Việc Việt Nam chọn chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.

Với khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ chung vai – Vì tương lai không còn dịch AIDS”. Trong ngày 03/12/2024, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã tổ chức hoạt động diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2024 với sự tham gia của cán bộ trung tâm Y tế, trạm Y tế các xã, thị trấn và đoàn thanh niên Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà.

Hoạt động diễu hành được thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu như: Tăng cường sự quan tâm của xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Tiếp tục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện biện pháp an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của mỗi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người; Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và tăng cường quảng bá các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ thay đổi hành vi, thực hiện các biện pháp an toàn tự phòng tránh lây nhiễm HIV đến mọi tầng lớp nhân dân.

TTYT Đầm Hà tổ chức đoàn xe diễu hành trên tuyến đường qua các xã, thị trấn để hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024

Trong thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên dịch HIV vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và là vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm. Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam ước tính có 249.000 người nhiễm HIV. Đáng chú ý, đường lây truyền HIV có sự thay đổi, quan hệ tình dục đã trở thành con đường lây truyền chủ yếu. Một trong những điểm đáng lo ngại là hiện nay tỉ lệ người nhiễm HIV đang ngày càng trẻ hóa.
Tại Quảng Ninh, trường hợp được phát hiện đầu tiên vào năm 1994, đến nay số người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn tỉnh là 5.796 người, số trường hợp đã tử vong là 5.906 người, có 5.155 người đang điều trị thuốc ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
HIV/AIDS là một bệnh truyền nhiễm và tất cả mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm HIV nếu không tìm hiểu những kiến thức để tự phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân và cho gia đình mình.

Tổng số người đã xem bản tin này: 59

Trả lời