Trong khi mang thai, người mẹ phải trải qua các quá trình biến đổi về giải phẫu, tâm lý, nội tiết…để cơ thể thích nghi với thời kỳ mới – thời kỳ mang thai. Thời kỳ này, sức khỏe của người mẹ có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, cũng như việc sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc con sau này…. Vì vậy, việc khám thai định kỳ trong thời kỳ mang thai là việc làm cần thiết và có lợi cho sức khỏe mẹ và con. Chỉ cần một bất thường nhỏ, một sơ xuất nhỏ cũng có thể dẫn tới hậu quả lớn, gây ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Khám thai định kỳ sẽ giúp các bác sỹ có thể theo dõi sát quá trình mang thai và phát hiện các tiềm ẩn của mẹ và thai nhi,để tầm soát các nguy cơ và hạn chế tối đa những nguy cơ có thể sảy ra trong quá trình mang thai. Ngoài ra, người mẹ còn được cung cấp thêm những thông tin, kiến thức cần thiết nhất để có thể tự chăm sóc mình và thai nhi; hay những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi để có thể phòng tránh.

Lần thứ nhất (5- 8 tuần): Xác định và kiểm tra sức khỏe ban đầu
* Mục đích: Xác định chính xác tuổi thai và vị trí thai; Kiểm tra sức khỏe tổng quát của mẹ; Tư vấn về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp; Xét nghiệm máu, nước tiểu để kiểm tra các bệnh lý tiềm ẩn.
* Các xét nghiệm: Siêu âm để xác định thai trong tử cung; Xét nghiệm máu (nhóm máu, Rh, công thức máu, đường huyết, HIV, giang mai, viêm gan B,…); Xét nghiệm nước tiểu.
Lần thứ hai (11-13 tuần): Sàng lọc dị tật bẩm sinh giai đoạn đầu
* Mục đích: Siêu âm đo độ mờ da gáy: sàng lọc nguy cơ hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh khác; Kiểm tra sự phát triển của thai nhi; Xét nghiệm Double test: tăng độ chính xác trong việc sàng lọc hội chứng Down.
* Các xét nghiệm: Siêu âm đo độ mờ da gáy; Xét nghiệm Double test.
Lần thứ ba (18-22 tuần): Siêu âm hình thái thai nhi chi tiết
* Mục đích: Siêu âm chi tiết: kiểm tra hình thái của thai nhi, phát hiện các dị tật bẩm sinh (tim, não, tay chân,…); Xác định giới tính thai nhi (nếu muốn); Xét nghiệm Triple test: sàng lọc các dị tật ống thần kinh.
* Các xét nghiệm: Siêu âm hình thái thai nhi; Xét nghiệm Triple test.
Lần thứ tư (24-28 tuần): Kiểm tra tiểu đường thai kỳ
* Mục đích: Kiểm tra nguy cơ tiểu đường thai kỳ; Đánh giá sự phát triển của thai nhi; Tiêm phòng uốn ván mũi 1.
* Các xét nghiệm: Nghiệm pháp dung nạp đường; Tiêm phòng uốn ván mũi 1.
Lần thứ năm (30-32 tuần) Đánh giá sự phát triển và vị trí thai
* Mục đích: Siêu âm: đánh giá sự phát triển của thai nhi, vị trí ngôi thai, lượng nước ối; Kiểm tra sức khỏe của mẹ; Tiêm phòng uốn ván mũi 2.
Lần thứ sáu (36-40 tuần) : Chuẩn bị cho quá trình sinh nở
* Mục đích: Khám thai hàng tuần: theo dõi sát sao sức khỏe của mẹ và bé, chuẩn bị cho sinh nở; Kiểm tra vị trí ngôi thai, lượng nước ối, tình trạng bánh rau; Tư vấn về dấu hiệu chuyển dạ và phương pháp giảm đau khi sinh.
* Các xét nghiệm: Kiểm tra tim thai, nước ối, ngôi thai.
Lưu ý quan trọng: Đây là các mốc khám thai cơ bản, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm hoặc siêu âm khác tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ và bé. Để an toàn cho mẹ và thai nhi trong suốt quá trình trước – trong – sau sinh, các mẹ đang mang thai hãy nên đến các cơ sở Y tế khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ nhằm phát hiện xử lý sớm các vấn đề liên quan đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.