COPD là bệnh phổi mạn tính phổ biến, là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên toàn thế giới. COPD là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Những người bị COPD có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư phổi và một loạt các tình trạng khác. Bệnh có thể điều trị làm chậm tiến triển khi được phát hiện ở giai đoạn sớm tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác cho đến khi có xuất hiện tổn thương phổi và thường trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Các triệu chứng chính của COPD là: Cảm thấy khó thở, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất, thở khò khè, tức ngực, ho có đờm kéo dài, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên, giảm cân…

Nếu không điều trị, các triệu chứng của bệnh thường tiến triển nặng hơn. Cũng có thể có những giai đoạn khi chúng trở nên tồi tệ hơn, được gọi là đợt cấp hoặc đợt bùng phát.
Nguyên nhân chính gây bệnh là do tiếp xúc lâu dài với các chất khí kích thích, thường là từ khói thuốc lá. Hút thuốc lá chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh. Thực tế, việc hút thuốc lá càng nhiều và thời gian càng dài thì khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn càng cao. Khoảng 20-30% số người hút trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của COPD.

COPD phần lớn là một bệnh có thể phòng ngừa được. Người bệnh có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc COPD nếu tránh hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào). Bên cạnh đó, mỗi người cần hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Ngoài ra, mỗi người cần tập thể dục đều đặn hàng ngày, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp. Không chỉ người bệnh, những bài tập thở còn mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả mọi người.

Tại Trung tâm Y tế Huyện Đầm Hà tiếp nhận và điều trị hàng trăm bệnh nhân COPD mỗi năm. Khi đến bệnh viện, người bệnh được bác sỹ thăm khám lâm sàng và chỉ định làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, chụp Xquang tim phổi. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị cụ thể hóa cho từng bệnh nhân.

Tổng số người đã xem bản tin này: 3

Trả lời