Trong thời gian gần đây Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà tiếp nhận 2 trường hợp nhập viện có liên quan đến việc sử dụng so biển trong bữa ăn. Ngay sau khi nhập viện bệnh nhân đã được các y, bác sỹ xử trí, cấp cứu kịp thời. Sau điều trị sức khỏe người bệnh ổn định và đã xuất viện.
Trung tâm Y tế cảnh báo đến người dân tuyệt đối không được ăn So biển vì trong So biển có chất độc gây ảnh hưởng thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, nếu không được cấp cứu kịp thời có khả năng tử vong nhanh. Khi nấu chín hay phơi khô…chất độc vẫn tồn tại và gây ngộ độc.
Triệu chứng bị ngộ độc do So biển xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến 2 giờ với các biểu hiện về thần kinh như: Cảm giác tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng; trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ; toàn thân biểu hiện mệt; khó thở, huyết áp hạ…
Sam biển sống thành từng cặp còn So biển không đi theo thành từng cặp Nhưng khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm là mùa sinh sản của Sam biển, So biển. Con so đực bắt cặp con cái để giao phối nên chúng thường đi theo cặp như vậy dễ bị nhầm với sam biển.
Người dân cần phân biệt rõ hai loài đều là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Đuôi Sam có tiết diện hình tam giác, ba cạnh kéo dài đến tận cuối đuôi, ở đỉnh tam giác có các gai nhọn giống như lưỡi cưa. Sam biển sống thành từng cặp và được khai thác, buôn bán, sử dụng làm thực phẩm như một loại hải sản. Còn đối với so biển có hình hài rất giống Sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn Sam biển và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của So biển thường khoảng 20 – 25 cm, toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi so có tiết diện tròn hoặc bầu dục và không hề có gai nhọn.
Để đảm bảo sức khỏe Trung tâm Y tế Đầm Hà khuyến cáo người dân cần thực hiện:
- Phân biệt Sam biển, So biển trong lựa chọn thực phẩm. Tuyệt đối không được dùng So biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, dù chỉ là một lần.
- Ngư dân loại bỏ So biển khi đánh bắt hải sản và tuyệt đối không kinh doanh So biển.
- Nếu ăn phải So biển phải phát hiện các dấu hiệu sớm; cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất.