Hiện nay, có nhiều bệnh nhân khi bị gãy xương không đến bệnh viện thăm khám, hoặc thăm khám được bác sĩ tư vấn bó bột nhưng không bó bột mà lựa chọn đắp thuốc nam vì cho rằng thuốc nam chữa gãy xương có hiệu quả hơn. Đây là một quan niệm sai lầm. Thực tế thuốc nam chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm đau, tiêu viêm và không hề có công dụng làm liền xương.
Ngày 24/8/2023, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà tiếp nhận bệnh nhân vào viện với tình trạng cẳng tay trái sưng đau, biến dạng. Đây là trường hợp bệnh nhân cách đây 16 ngày đã nhập viện bó bột xương cẳng tay trái, tuy nhiên, sau khi bó bột được một tuần, bệnh nhân đã tự ý tháo bột và bó thuốc nam. Tối ngày 24/8/2023, bệnh nhân bị ngã, sau ngã thấy đau, biến dạng cẳng tay trái tại vị trí đang bị gãy.
Kết quả chụp X quang cho thấy, bệnh nhân bị gãy 1/3 cẳng tay trái, vị trí gãy phức tạp, di lệch nhiều, bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật kết hợp xương cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, hiện bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Với tình trạng gãy như lúc đầu của bệnh nhân trên, đã được bác sĩ nắn chỉnh, bó bột thì chỉ cần từ 6 đến 8 tuần để tạo điều kiện cho quá trình liền xương mà không cần phẫu thuật kết hợp xương. Bó bột giúp cố định vị trí xương bị gãy, giữ các xương bị gãy ở trục thích hợp theo giải phẫu bình thường, phòng ngừa các đầu xương gãy bị di lệch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình liền xương, giúp xương lành không bị cong, vẹo.
Khi bị gãy xương, nhiều người không tuân thủ việc bó bột mà lựa chọn đắp thuốc nam vì cho rằng đắp thuốc nam xương nhanh lành hơn. Nhưng thực tế công dụng chủ yếu của thuốc nam là tiêu sưng, giảm phù nề, hết ứ đọng khí huyết, từ đó làm giảm đau. Sau khi đắp thuốc, bệnh nhân có thể cảm thấy bớt đau, bớt khó chịu nên nghĩ rằng đắp thuốc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc bó thuốc nam có nhiều nguy hại mà bệnh nhân có thể chưa biết, đó là:
– Nguy cơ xương không liền, hoặc liền xương nhưng bị biến dạng, có thể ảnh hưởng đến vận động của người bệnh: Do các thầy lang hiện không có hoặc có rất ít kiến thức về giải phẫu nên không thể nắn xương về đúng vị trí. Họ chỉ sờ nắn bên ngoài và chẩn đoán theo cảm giác chủ quan để đắp thuốc, bó lá cho người bệnh. Nắn chỉnh không chính xác có thể xảy ra trường hợp hai đầu xương không chạm nhau khiến xương không hồi phục, trường hợp hai đầu xương bị lệch, xương lành lại không theo đúng hình dáng ban đầu, dẫn đến lệch, cong, vẹo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động và việc khắc phục càng khó khăn, phức tạp.
– Nguy cơ nhiễm trùng do đắp một số loại thuốc không rõ nguồn gốc còn có thể gây viêm loét, nhiễm trùng da – mô mềm và nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết.
Khi điều trị gãy xương tại các cơ sở y tế, tại đây có các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như X quang, CT Scanner chẩn đoán chính xác và được bác sĩ có chuyên môn thăm khám, có phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo: đắp thuốc nam chỉ có thể hỗ trợ giảm đau, tiêu viêm và không có tác dụng liền xương, bó các loại thuốc không rõ nguồn gốc còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét, nhiễm trùng. Do vậy, bệnh nhân khi bị gãy xương hãy đến các cơ sở y tế để được chụp Xquang, chẩn đoán và được bác sĩ tư vấn phương án điều trị phù hợp giúp xương liền lại như ban đầu và không ảnh hưởng tới chức năng vận động./.