Nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức trong cộng đồng và chính quyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chủ động phòng, chống bệnh dại, TTYT huyện Đầm Hà, các trạm Y tế xã, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống bệnh dại 28/09/2024 với chủ đề “Chung tay phá vỡ rào cản – Phòng chống bệnh dại”.

Các trạm Y tế trên địa bàn thực hiện tuyên truyền phòng, chống bệnh dại

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền từ động vật sang người, thông qua tiếp xúc trực tiếp với những chỗ da bị trầy xước của người. Nguyên nhân lây truyền chủ yếu là do chó cắn (chiếm 96%), tiếp theo là mèo và một số động vật hoang dã. 100% các trường hợp mắc dại đều tử vong do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Hằng năm, thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong do bệnh dại, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 năm (từ 2011 – 2021), Việt Nam ghi nhận hơn 900 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cho tới nay, bệnh Dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bệnh Dại thường bùng phát mạnh vào thời điểm mùa hè, nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, bệnh Dại thường phát triển trái mùa tại nhiều địa phương. Một phần nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết, tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân khiến tình hình dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát.

Đến nay, bệnh Dại chưa có thuốc chữa đặc hiệu, người bị bệnh Dại gần như tử vong 100%. Bệnh Dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng bệnh và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh Dại.

Nhân viên y tế tư vấn phòng bệnh Dại cho người dân khi đến khám, chữa bệnh

Để chủ động phòng, chống bệnh Dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
4. Cách ly, theo dõi những con vật mắc và nghi mắc bệnh Dại.
5. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng tiếp xúc với con vật mắc bệnh.
6. Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
– Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn.
– Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
– Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
– Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.
– Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.
– Nếu bị chó mèo cắn, cần theo dõi trong vòng 10 ngày, nếu chó mèo phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị giết thịt thì cần nhanh chóng đi tiêm càng sớm càng tốt, tiêm kết hợp cả vắc xin và huyết thanh. Nếu con vật còn sống, cần theo dõi để không tiêm hoặc hoãn tiêm.
7. Xử lý môi trường, khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực có người mắc bệnh Dại: Giường, chiếu, chăn màn, quần áo, đồ dùng cá nhân. Nếu người mắc bệnh Dại chết thì áp dụng các biện pháp khử khuẩn môi trường, phòng lây nhiễm trong khi khâm liệm, tốt nhất là nên hoả thiêu để tránh làm lây lan virus Dại ra môi trường.
8. Những người chăm sóc người mắc bệnh Dại nếu nghi bị người bệnh cào cấu, cắn hay bị dây vào nước bọt của người bệnh Dại cần được tiêm phòng vắc xin Dại cùng với huyết thanh kháng Dại càng sớm càng tốt./.

Tổng số người đã xem bản tin này: 60

Trả lời