Vào ngày 14/06/2019, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thực thi từ ngày 01/01/2020 với mục đích phòng, tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khỏe, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu bia gây ra, trong đó có quy định hành vi bị nghiêm cấm, những địa điểm không được uống rượu bia và những quy định trong kinh doanh, quảng cáo và khuyến mại liên quan đến rượu bia. Đây là những quy định liên quan đến đa số người dân cần phải thực hiện. Để thực hiện đúng những quy định này trong Luật thì thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật đến người dân biết để thực hiện quy định trong Luật là vô cùng quan trọng.

TTYT huyện Đầm Hà thực hiện tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2024

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, rượu bia hiện xếp thứ 2 trong tổng số 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu ở Việt Nam, trong đó mỗi năm có khoảng 40.800 người tử vong do tác hại của rượu, bia. Rượu/bia chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế, chính vì vậy việc phòng, chống tác hại của rượu, bia là vô cùng cần thiết với mọi người, mọi nhà.

Các tác hại của rượu bia chính là do chất cồn (ethanol) gây ra. Uống rượu bia có nguy cơ gây ra những vấn đề sức khỏe như:
1. Bệnh tim mạch. Sử dụng rượu bia tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch như: đột quỵ, suy tim, cao huyết áp và phình động mạch chủ.
2. Bệnh tiêu hóa/ rối loạn tiêu hóa. Tiêu thụ rượu quá mức gây tổn thương gan, xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C, viêm tụy cấp tính và mãn tính.
3. Ung thư. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp rượu bia vào nhóm chất gây ung thư. Sử dụng rượu bia là nguyên nhân liên quan tới: Ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại-trực tràng, gan, mật và ung thư vú.
4. Thương tích. Một tỷ lệ lớn gánh nặng bệnh tật do sử dụng rượu bia phát sinh từ những thương tích không chủ ý và cố ý, gồm tai nạn giao thông, bạo lực và tự tử, các thương tích gây tử vong liên quan đến rượu bia xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi tương đối trẻ. Rượu bia được xác định là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Trong năm 2016, tử vong do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia chiếm 41% tổng số ca tử vong do thương tích có liên quan đến rượu bia.
5. Rối loạn sử dụng rượu bia. Rối loạn sử dụng rượu bia là một bệnh mạn tính của não bộ với các đặc trưng: người bệnh cảm thấy bắt buộc phải sử dụng rượu bia, không kiểm soát được lượng uống và rơi vào tâm trạng tiêu cực khi không sử dụng. Năm 2016, trên thế giới 283 triệu người từ 15 tuổi trở lên (chiếm 5.1% người trưởng thành) bị rối loạn sử dụng rượu bia.

Tại Điều 5 của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia:
1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

TTYT huyện Đầm Hà khuyến cáo: Mỗi tổ chức, cá nhân, gia đình hãy thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội.

Nên hạn chế sử dụng rượu, bia để bảo vệ sức khỏe. Nếu buộc phải uống rượu, bia thì cần lưu ý:
– Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.
1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml (40%); 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
– Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong 1 lần uống.
– Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.
– Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
– Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,…
– Không nên uống rượu khi điều khiển phương tiện giao thông. Rượu, bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động, dễ dẫn đến người điều khiển tự gây tai nạn hoặc gây tai nạn với các phương tiện khác.

Tổng số người đã xem bản tin này: 222

Trả lời