Nhằm đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Trung thu năm 2024. Trong ngày 12/9/2024 vừa qua, Trung tâm Y tế Đầm Hà đã phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện Đầm Hà tiến hành kiểm tra theo Kế hoạch số 03 /KH-BCĐ ngày 05 tháng 9 năm 2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành huyện Đầm Hà về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024 trên địa bàn huyện Đầm Hà. Đoàn liên ngành thực hiện nhiệm vụ được phân công theo Quyết định số 2174/QĐ-UBND, ngày 09/9/2024 của Ủy ban nhân dân huyện Đầm Hà thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, các bánh kẹo, sữa, các quầy hàng kinh doanh bún, phở, giò chả… Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra đoàn tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm nhanh các loại thực phẩm.
Một số hình ảnh đoàn kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Đầm Hà:
Đoàn đã kiểm tra được tổng số 11 cơ sở trong đó: 03 cơ sở kinh doanh bánh kẹo và 08 cơ sở kinh doanh bún, phở, giò chả.
Đoàn tiến hành xét nghiệm test nhanh tổng số 79 test trong đó: Hàn the 32, formon 20, phẩm màu 15, dầu mỡ ôi khét 12 tất cả đều âm tính.
Trung tâm Y tế đã cấp 18 băng rôn cho các trạm Y tế xã, thị trấn treo tại các trục đường chính nhằm truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu đến người dân với các nội dung theo khẩu hiệu như sau:
- Phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mỗi người.
- Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là trách nhiệm của chính quyền các cấp, của toàn xã hội.
Nhằm đảm bảo công tác ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2024 trên địa bàn huyện Đầm Hà, Trung tâm Y tế Đầm Hà khuyến cáo người dân trên địa bàn huyện thực hiện như sau:
– Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
– Đối với người tiêu dùng: Thực hiện việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.