Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất giúp cho trẻ sơ sinh chống lại bệnh tật đồng thời tăng cường sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới: 22% các trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh có thể phòng tránh nếu được bú sữa mẹ sớm trong vòng 01 giờ đầu sau sinh, 13% trẻ dưới 5 tuổi bị tử vong có thể ngăn chặn nếu được bú sữa mẹ hoàn toàn.

Ảnh minh họa (Nguồn Trung tâm Truyền thông – giáo dục sức khỏe tỉnh)

Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức hàng năm từ ngày 1 – 7/8 nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ, nâng cao sức khỏe trẻ em trên toàn thế giới. Chủ đề của tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ năm nay được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra là: “Nuôi con bằng sữa mẹ – nền tảng cho cuộc sống”, khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, bắt đầu trong vòng 1 giờ sau sinh cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi. Sau đó, trẻ cần được ăn dặm và tiếp tục bú sữa mẹ cho tới 2 tuổi hoặc hơn nữa.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ hấp thu và sử dụng có hiệu quả cao, sữa mẹ cũng có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú mẹ sẽ lớn nhanh, ít mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi và một số bệnh khác so với trẻ không được bú mẹ. Chính vì vậy, các bà mẹ cần có những hiểu biết đầy đủ về việc nuôi con bằng sữa mẹ để thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách.

Nuôi con bằng sữa mẹ có rất nhiều lợi ích như: Đối với trẻ: sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trẻ trong 6 tháng đầu; Thúc đẩy sự phát triển cơ thể trẻ; Kích thích sự phát triển của não; Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp; Dễ tiêu hóa, sử dụng hiệu quả; Cung cấp đầy đủ nước cho trẻ trong 6 tháng đầu; đảm bảo vệ sinh, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp. Đối với mẹ: Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ rau và tránh mất máu cho mẹ; Cho trẻ bú mẹ giúp kích thích co hồi tử cung; kích thích tăng cường sản xuất sữa; phòng cương tức sữa; Bú mẹ có lợi ích kinh tế cao, giúp tiết kiệm chi phí; tăng cường tình cảm mẹ con; giảm thiếu máu, phòng ung thư vú, ung thư cổ tử cung; Chậm có kinh, chậm có thai trở lại.

Để đảm bảo nguồn sữa, người mẹ cần uống nhiều nước, ăn đủ chất và tăng bữa, nghỉ ngơi đủ, ngủ ít nhất 8h mỗi ngày, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào đều phải có ý kiến của thầy thuốc. Ngay sau sinh cần thực hiện tiếp xúc da kề da để giúp trẻ được bú sớm, thời gian bú mẹ được lâu hơn, trẻ ít khóc hơn. Cho trẻ bú đúng cách, miệng trẻ mở rộng, lưỡi hướng ra phía trước và có thể nhìn thấy được phía trên lợi, môi dưới hướng ra ngoài, cằm trẻ chạm vào vú mẹ. Tư thế cho bú đúng là đầu và thân trẻ trên cùng một đường thẳng, mặt trẻ đối diện với vú và môi trẻ đối diện với núm vú, thân trẻ sát với mẹ, đỡ toàn bộ người trẻ. Trẻ bú có hiệu quả: mút chậm, sâu, thỉnh thoảng dừng lại rồi bú tiếp, có thể nhìn hoặc nghe thấy tiếng trẻ nuốt. Không hạn chế số lần cho trẻ bú, cho bú theo nhu cầu cả ngày và đêm, ít nhất 8 lần mỗi ngày. Bú hết sữa một bên mới chuyển sang bên kia, không dứt vú khi bé chưa muốn thôi. Chỉ cho bú sữa mẹ, không cho trẻ ăn, uống bất kỳ thứ gì trong vòng 6 tháng đầu. Nếu vú cương đau hoặc trẻ khó bắt vú trong giai đoạn đầu, mẹ cần vắt sữa cho trẻ uống.

Trong trường hợp mẹ bị mắc các bệnh truyền nhiễm như giang mai, viêm gan, HIV/AIDS…cần gặp bác sỹ để được tư vấn cụ thể, phòng tránh nguy cơ lây truyền sang con.

Tổng số người đã xem bản tin này: 1121