Nhiều bệnh nhân khi bị gãy xương, cần phải phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít hay đinh kirschner. Sau một khoảng thời gian nhất định, những dụng cụ này phải được rút ra. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân đã quên những dụng cụ kết hợp xương trong cơ thể mình nhiều năm, như bệnh nhân L.V.H (57 tuổi, xã Tân Bình) bị gãy xương mâm chày chân đã phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít, đến nay đã được 20 năm, bệnh nhân thấy đau nhiều, đi lại khó khăn mới đến TTYT Đầm Hà để thăm khám.

Hình ảnh chụp Xquang cho thấy nẹp vít ở xương mâm chày chân trái đã bám chặt và những can xương bò phủ qua dụng cụ, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật rút dụng cụ kết hợp xương.
Ca phẫu thuật do Ths. Bs Phạm Huy Phúc – Bác sĩ khoa Ngoại- Răng hàm mặt – Tai mũi họng, Bs. Nguyễn Hải Bình gây mê cùng các điều dưỡng, kỹ thuật viên thực hiện. Do dụng cụ kết hợp xương nằm quá lâu trong chân nên quá trình tháo dụng cụ gặp nhiều khó khăn, bác sĩ phải khéo léo bóc tách, tìm đinh nẹp đã bị can vào xương. Sau gần 1 giờ, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, kíp phẫu thuật đã rút ra được 9 đinh và 1 nẹp từ cẳng chân của bệnh nhân. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Ths. Bs Phạm Huy Phúc cho biết: gẫy xương là chấn thương phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị như: Nắn chỉnh bó bột, khung cố định ngoài, nẹp vít, đinh nội tủy… việc điều trị bệnh nhân gãy xương đã được TTYT Đầm Hà thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao, mất ít máu, vết mổ có tiết diện nhỏ, bệnh nhân ít đau sau khi phẫu thuật và thời gian bình phục nhanh. Trên nguyên tắc, sau khi các tổn thương xương đã lành và đảm bảo xương đã vững chắc thì phải tiến hành phẫu thuật để lấy các đinh, nẹp ra.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu tháo dụng cụ quá sớm, tổn thương ở xương chưa lành hẳn, thì sau khi tháo, người bệnh có nguy cơ gãy xương lại. Ngược lại, nếu tháo quá trễ, lúc này canxi do cơ thể sản sinh ra đã bám chặt vào xung quanh nẹp vít, từ đó gây khó khăn cho việc lấy dụng cụ kết hợp xương ra khỏi cơ thể và làm tăng nguy cơ nứt, gãy xương. Do đó, thông thường sau 6 tháng đối với những trường hợp sử dụng đinh nhỏ và sau 1 – 1,5 năm đối với những loại vít, đinh, nẹp lớn hoặc đinh nội tủy, bệnh nhân cần khám lại để bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng xương để chỉ định rút dụng cụ.

Hiện nay, các phương pháp mổ kết hợp xương bằng đóng đinh nội tủy, nẹp vít… được thực hiện thường quy tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà bởi Ths.Bs Phạm Huy Phúc – bác sĩ chuyên khoa ngoại – chấn thương, giúp bệnh nhân bị gãy xương không cần phải chuyển tuyến mà được thực hiện ngay tại Trung tâm Y tế huyện.

Tổng số người đã xem bản tin này: 157

Trả lời