Bệnh phong: Nguyên nhân, đường lây, điều trị, phòng ngừa

I. Bệnh phong có phải là bệnh do di truyền không?
Bệnh Phong không phải là bệnh di truyền, là một bệnh nhiễm khuẩn do một vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae gây ra. Vi khuẩn này do một nhà bác học Na Uy tên là Hansen tìm ra năm 1873, nên còn được gọi là trực khuẩn Hansen, và bệnh phong được gọi là bệnh Hansen. Bệnh chủ yếu gây thương tổn ở da, các dây thần kinh ngoại biên và có thể để lại những tàn tật vĩnh viễn ở cơ thể.
Bệnh Phong lây nhiễm không phân biệt độ tuổi, giới tính, dân tộc.

II. Bệnh Phong lây lan như thế nào? Bệnh có dễ lây không?
Có 3 yếu tố tham gia vào quá trình lây lan bệnh phong, và làm cho bệnh phong tuy là bệnh lây nhưng ít và rất khó lây là : vi khuẩn Hansen gây bệnh, đường lây, và cơ thể cảm nhiễm:
Thứ nhất: Vi khuẩn Hansen, là một loại trực khuẩn giống như trực khuẩn gây ra Bệnh Lao nhưng yếu ớt hơn. Vi khuẩn Hansen là vi khuẩn ký sinh nội bào bắt buột, chỉ sống được trong tế bào da và thần kinh ở người, ra ngoài cơ thể nó chỉ sống được không quá 48 giờ.
Chỉ có người mắc bệnh phong nặng, thể nhiều khuẩn mà chưa được điều trị, vi khuẩn còn sống mới có thể lây bệnh sang cho người lành. Khi người bệnh Phong đã được uống thuốc điều trị,thì sau 5 ngày vi khuẩn sẽ yếu đi và không còn khả năng lây lan cho cộng đồng xã hội; đó là lý do thứ nhất giải thích tại sao bệnh phong rất khó lây;
Thứ hai: Đường lây. Bệnh phong chủ yếu lây lan qua đường hô hấp, và qua các vết thương trầy sướt ở da. Người bệnh phong nặng, khi chưa uống thuốc điều trị, lúc hít thở, sẽ phóng xuất ra bầu không khí những hạt sương nước mũi li ti, chứa nhiều vi khuẩn bệnh phong, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ (khoảng ít hơn 30%) còn khỏe mạnh và có khả năng gây bệnh cho người bị nhiễm mới. Nếu đã uống thuốc, những hạt sương nước mũi đó càng chứa ít vi khuẩn còn sống (dưới 5%) và bị yếu đi nhiều nên khả năng gây bệnh càng khó khăn.
Thứ ba: Cơ thể cảm nhiễm. Bệnh phong khó lây vì còn tùy thuộc vào sức đề kháng tự nhiên của mỗi người khác nhau. Khoảng 90% dân số trên thế giới có sức đề kháng tự nhiên chống lại bệnh phong: những người này không bao giờ mắc bệnh phong, cho dù có tự tiêm truyền vi khuẩn còn sống vào cơ thể của họ. Đã có ít nhất 20 người trên thế giới tự nguyện tiêm vi khuẩn vào cơ thể mình để gây bệnh thực nghiệm, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được báo cáo thành công… Theo một số tài liệu nghiên cứu khoa học khác, tỷ lệ lây lan giữa những cặp vợ chồng với nhau chỉ từ 3 đến 6%, hay nói khác đi, phải tiếp xúc mật thiết và lâu dài với người bệnh chưa điều trị, mới có nguy cơ mắc bệnh phong, và nguy cơ đó không lớn hơn 6%, ít lây hơn nhiều so với các bệnh khác như Bệnh Lao, Bệnh Cúm…
Thế nên có thể kết luận rằng, Bệnh Phong là bệnh truyền nhiễm, lây lan từ người bệnh chưa điều trị sang người lành, nhưng lây ít và rất khó lây, bởi những lý do sau:
Nguồn phát sinh vi khuẩn gây ra bệnh phong là rất thấp.
Điều kiện sống của vi khuẩn phong rất khó khăn khi ra khỏi con người.
Việc mắc bệnh phong hay không còn tùy thuộc vào sức đề kháng tự nhiên của từng người.

III. Những dấu hiệu nào giúp cho chúng ta phát hiện đang mắc bệnh phong?
Làm thế nào để nhận biết được bệnh Phong?
Trừ những trường hợp không điển hình rất khó nhận dạng, Bệnh Phong có thể được nhận biết và chẩn đoán một cách dễ dàng dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên của bệnh.
Các dấu hiệu và triệu chứng đó thường là sự xuất hiện của một hoặc nhiều dát có màu đỏ hoặc nhạt màu hơn vùng da xung quanh kèm theo sự mất cảm giác hoặc mất tiết mồ hôi ở vùng da đó (đỏ/bạc màu – không cảm giác – khô).

IV. Nếu phát hiện bệnh sớm thì chữa có hết không? Điều trị bệnh trong bao lâu và có tốn kém nhiều tiền bạc không?
1. Tại sao việc phát hiện và điều trị sớm lại quan trọng như vậy?
Bệnh Phong thường bắt đầu với những dát da nhưng nó cũng có thể tấn công và làm tổn hại các dây thần kinh ngoại biên.
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì những tổn hại thần kinh này sẽ dẫn đến tàn tật vĩnh viễn ở mắt, bàn tay và bàn chân của bệnh nhân cho dù họ có được điều trị khỏi bệnh.
Những tàn tật này có thể ngăn ngừa và tránh được nếu bệnh nhân được điều trị sớm.
Hiện nay bệnh phong được điều trị như thế nào? Nếu đã điều trị thì liệu có để lại di chứng gì không?
– Từ năm 1982 đến nay, thế giới và cả Việt Nam ta đã áp dụng các phác đồ Đa Hóa Trị Liệu do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo để điều trị bệnh phong. Phác đồ đa hóa trị liệu này rất hiệu quả và chưa ghi nhận có kháng thuốc trên thực tế.
– Thời gian điều trị là 6 tháng cho thể nhẹ và 12 tháng cho thể nặng. Thuốc được cấp phát miễn phí, được theo dõi uống thuốc đều (tại nhà) cho đến khi hoàn thành thời gian điều trị và khỏi bệnh.
– Nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng thì sẽ khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại di chứng.
– Nếu phát hiện bệnh và điều trị muộn thì bệnh vẫn được chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể để lại di chứng, tàn tật ở mặt, tay chân, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Các di chứng tàn tật này, tùy theo mức độ, có thể được ngành y tế tiếp tục chăm sóc, phẫu thuật tái tạo, phục hồi chức năng, phần nào giúp người tàn tật do bệnh phong có thể trở lại cuộc sống gần bình thường.

V. Nếu gia đình có người mắc bệnh phong, thì nên chăm sóc như thế nào để không bị lây nhiễm từ người bệnh?
– Người bệnh phong đã được điều trị tốt thì khỏi bệnh hoàn toàn và không để di chứng gì,nên có thể trở về cộng đồng như bao người khác; ngay cả khi bệnh đang điều trị cũng không có khả năng lây bệnh nên không cần phải cách ly như một số bệnh truyền nhiễm khác mà vẫn được điều trị tại nhà.
– Khi hiểu đúng và hiểu đủ về bệnh phong, ta sẽ không còn những thái độ ghê sợ bệnh phong như trước đây, và sẽ phổ biến những kiến thức đó cho người khác để cộng đồng cũng có hiểu biết đúng đắn về bệnh phong.
– Người mắc bệnh phong thường thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội: họ kém may mắn và rất thiệt thòi. Khi họ mắc bệnh và bị tàn tật nặng, cộng đồng không nên xa lánh mà phải biết chia sẻ và giúp đỡ hết lòng, để mong bù đắp lại phần nào sự kém may mắn của họ. Khi họ đã được chữa khỏi, hết vi khuẩn, không còn lây bệnh, nhưng còn bị tàn tật, thì chúng ta nên đối xử với họ như một người tàn tật bình thường, để tạo điều kiện cho họ được phẫu thuật phục hồi, giúp đỡ kinh tế xã hội, được học hành, lao động bằng ngành nghề thích hợp với tình trạng tàn tật hiện có, để họ có cuộc sống hòa nhập được trong cộng đồng.

VI. Hiện nay có vắc xin phòng bệnh phong chưa? Làm thế nào để phòng ngừa được bệnh phong?
Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh phong nên mục tiêu của phòng ngừa bệnh phong là: Phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn cho những người mắc bệnh phong để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng; qua đó, giảm số người bệnh phát hiện muộn, dẫn đến giảm tỷ lệ tàn tật cho người mắc bệnh phong.
Như vậy để phòng ngừa bệnh phong chúng ta cần thực hiện các nội dung sau đây:
1. Tăng cường giáo dục sức khỏe trong nhân dân về “những điều cần biết về bệnh phong” để người bệnh có thể được phát hiện sớm, điều trị đúng bệnh phong, người dân có hiểu biết đúng về bệnh phong cũng như không còn những định kiến sai lầm về bệnh phong.
2. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời những người mắc bệnh phong để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.
3. Mặc dù chúng ta vẫn chưa tìm ra vaccine phòng ngừa bệnh phong nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng có một tỷ lệ những người được chủng ngừa bệnh Lao có khả năng miễn dịch với bệnh phong, nên chủng ngừa Lao có thể được áp dụng để phòng ngừa cả bệnh Lao lẫn bệnh Phong.

VII. Khi nghi ngờ mắc bệnh phong,có thể đến đâu để được khám và điều trị?
– Trạm y tế xã/thị trấn
– Phòng khám da liễu của Trung tâm Y tế huyện.
– Khoa da liễu bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh
– Phòng khám bệnh ngoài da trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (CDC).

Hình ảnh bệnh phong

Tổng số người đã xem bản tin này: 733

Trả lời