Ngày 14/11 là ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về Đái tháo đường, các biến chứng.

Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2017 toàn thế giới có 424,9 triệu người bị mắc đái tháo đường (ở độ tuổi 20-79) có nghĩa là cứ 11 người trưởng thành có 1 người bị đái tháo đường, dự đoán đến năm 2045 con số này sẽ lên tới 629 triệu, tăng 48%. Như vậy, cứ 10 người có 1 người bị bệnh đái tháo đường (1/10). Tại Việt Nam theo nghiên cứu năm 2012 của của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy: Tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5,42%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%. Ở độ tuổi 50-59 chiếm 7,5%, độ tuổi 60-69 chiếm 9,9%.

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai.

Đái tháo đường được phân loại như sau:
– Đái tháo đường type 1 xảy ra khi cơ thể không thể tạo ra đủ insulin, những người mắc đái tháo đường type 1 cần dùng insulin hàng ngày để điều chỉnh lượng đường glucose trong máu;
– Đái tháo đường type 2 xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả, các triệu chứng có thể giống với bệnh tiểu đường type 1 nhưng thường không rõ ràng, đôi khi không có triệu chứng;
– Đái tháo đường thai kỳ (là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1, type 2 trước đó);
– Đái tháo đường do các nguyên nhân khác: ĐTĐ sơ sinh, ĐTĐ do sử dụng thuốc hoặc hóa chất…

Bệnh đái tháo đường có một số dấu hiệu cảnh báo chung như: Liên tục khát nước, đi tiểu nhiều lần trong ngày, sụt cân bất thường, đói và mệt mỏi, dễ bị nhiễm trùng, thị lực yếu…Cách duy nhất để phát hiện bệnh đái tháo đường là xét nghiệm máu.

Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Giảm thị lực và có thể mù lòa, tê bì chân tay, vết thương lâu lành dù cho là xây xát nhỏ, giảm chức năng thận cuối cùng gây suy thận, dễ bị cao huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não dẫn đến các di chứng liệt hoặc tử vong. Việc khám sức khỏe, xét nghiệm máu định kỳ rất quan trọng để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và điều chỉnh lối sống, sẽ giúp ngăn ngừa phòng chống đái tháo đường.

Cán bộ Y tế tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà

Các chuyên gia nội tiết đưa ra 5 điểm mấu chốt trong điều chỉnh lối sống, cụ thể là:
– Ăn uống lành mạnh: Khẩu phần ăn trong ngày của người ĐTĐ cũng phải đủ 3 thành phần chính: Tinh bột, chất béo, chất đạm ngoài ra cần chú ý bổ sung vitamin, chất khoáng, chất xơ có nhiều trong rau, củ, quả và trái cây “ít ngọt”;hạn chế các món rán, các loại mỡ động vật, thức ăn chế biến sẵn, nên ăn cá 2-3 lần trong tuần, và hạn chế uống rượu, bia.
– Vận động thích hợp: Cần tích cực hoạt động thể lực để giúp cơ thể tiêu hao năng lượng thừa, giúp cơ thể tiêu thụ đường dễ dàng hơn, nâng cao sức khỏe của toàn cơ thể, luyện tập thể lực cũng làm cải thiện tinh thần kinh, hoạt bát, nhanh nhẹn, sảng khoái và cuối cùng luyện tập thể lực cũng sẽ làm tăng sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật.
– Cố gắng giảm cân: Thừa cân, béo phì vừa là nguy cơ vừa là yếu tố làm nặng thêm các triệu chứng ĐTĐ. Các chuyên gia nội tiết cho thấy chỉ giảm 5- 7 phần trăm trọng lượng cơ thể sẽ giúp ổn định đường trong máu và cải thiện tình trạng kháng insulin.
– Bỏ hút thuốc lá: Giúp hạ đường huyết và giảm các biến chứng mắt, đột quỵ, bệnh thận, bệnh mạch máu, thần kinh và chân…
– Kiểm soát các stress: Stress sẽ làm đường máu kiểm soát stress qua tập thể dục, khí công, yoga, thư giãn rất hữu ích để hỗ trợ điều trị ĐTĐ.

Tổng số người đã xem bản tin này: 1111

Trả lời