Bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) là bệnh do di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Ở Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số, mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20- 40%. Mỗi năm có khoảng hơn 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó khoảng hơn 2.000 trẻ bị bệnh nặng. Theo số liệu thống kê trên địa bàn huyện từ năm 2019 đến nay đã có 34 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị Thalassemia tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà.

Tư vấn về sàng lọc sơ sinh để phát hiện các bệnh, tật bẩm sinh tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà

Để phòng bệnh Thalassemia trên địa bàn huyện, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà, đã đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân của gia đình, cộng đồng về tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; Tăng cường các hoạt động truyền thông cộng đồng, tại các trường học trên địa bàn; Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, vận động các cặp vợ chồng trước khi kết hôn tiến hành khám sức khỏe để xác định xem có mang gen bệnh hay không, từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh; Triển khai thực hiện kỹ thuật lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh để làm xét nghiệm sàng lọc, phát hiện các bệnh các bệnh, tật bẩm sinh như: Thiếu men G6PD, Thiểu năng trí tuệ, Suy giáp bẩm sinh, Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và tử vong sớm do Tan máu bẩm sinh…

Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm nay có chủ đề “Cha mẹ hãy thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai nòi giống”. Hy vọng sẽ được các cặp vợ chồng quan tâm, hưởng ứng để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phồn vinh của xã hội, hướng tới một tương lai hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra.

Tổng số người đã xem bản tin này: 1137

Trả lời