Bệnh lao là bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi trực khuẩn lao, chủ yếu gây bệnh ở phổi (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lao có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể như màng phổi, màng não, xương khớp, hạch… Bệnh lao nếu không được điều trị kịp thời có thể gặp một số biến chứng như: tràn dịch, tràn khí màng phổi, ho ra máu… có thể dẫn tới tử vong.

Bệnh Lao lây truyền qua các giọt nước bọt trong không khí từ chất tiết khi ho, nhày mũi, nói chuyện hay khạc nhổ của người mắc lao phổi. Khi có tiếp xúc gần gũi, thường xuyên, thân mật với người mắc bệnh, người bình thường sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh. Khi sức đề kháng của cơ bị suy giảm (do suy dinh dưỡng, nhiễm HIV, những người già yếu, người mắc bệnh tiểu đường, trẻ em dưới 5 tuổi…) là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh lao.

Hiện tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đang quản lý, điều trị, theo dõi và tái khám định kỳ cho 7 bệnh nhân lao trên địa bàn, trong đó có 01 bệnh nhân lao kháng thuốc.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã thường xuyên tuyên truyền lồng ghép, tư vấn về bệnh lao trong những chiến dịch truyền thông, các đợt khám sức khỏe trên địa bàn các xã, thị trấn; Giáo dục sức khỏe, hướng dẫn người bệnh dùng thuốc theo nguyên tắc: “Phối hợp thuốc, đúng, đủ, đều”; Xét nghiệm đầy đủ, đúng hẹn theo hướng dẫn của cán bộ y tế; Thường xuyên giám sát sự tuân thủ điều trị của người bệnh và trong gia đình người mắc lao có trẻ em dưới 5 tuổi để tư vấn gia đình điều trị dự phòng lao theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; Tăng cường công tác khám phát hiện, chuyển gửi bệnh nhân đến đúng chuyên khoa để sàng lọc; Theo dõi, điều trị, quản lý bệnh nhân lao theo hướng dẫn của chương trình phòng chống lao Quốc gia…

Hiện nay, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian, thuốc điều trị bệnh lao được cấp miễn phí. Vì vậy, khi có các triệu chứng như: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần, ho ra máu, sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm, đau tức ngực, gầy sút cân… người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị kịp thời. Khi mắc lao, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng phác đồ, đủ thời gian, không được tự ý ngừng thuốc. Nếu không bệnh sẽ tái phát và đặc biệt nguy hiểm do vi khuẩn lao kháng thuốc, làm cho việc điều trị kéo dài và khó khăn hơn rất nhiều. Người mắc bệnh cần chú ý: che miệng và quay mặt về phía khác khi ho, khi hắt hơi; Không khạc nhổ đờm bừa bãi, giữ vệ sinh môi trường; Những người trong gia đình có bệnh nhân lao cũng cần tới cơ sở y tế khám, phát hiện xem có mắc bệnh hay không, đối với gia đình có trẻ em cần tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ.

Song song với phòng, chống Lao: do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố lân cận Quảng Ninh: Để chủ động kiểm soát tốt ổ dịch, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, không để lây lan rộng trong cộng đồng, người dân cần tuân thủ thực hiện biện pháp “5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế” trong chống dịch.

• Khẩu trang:
+ Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người
+ Đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly

• Khử khuẩn:
+ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay
+ Vệ sinh các bề mặt, vật dụng thường xuyên tiếp xúc
+ Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng

• Khoảng cách:
+ Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác

• Không tập trung:
+ Không tập trung đông người

• Khai báo y tế:
+ Thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI
+ Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở gọi đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn đi khám bệnh an toàn
+ Cài đặt ứng dụng Bluezone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Tổng số người đã xem bản tin này: 1003

Trả lời