Sởi là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em do vi rút gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do dịch tiết mũi họng của người bệnh theo không khí thoát ra khi ho hoặc hắt hơi, nói chuyện…Vì vậy, sởi rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch ở những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư…Nếu không được điều trị đúng cách bệnh sởi có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, dễ dàng dẫn tới suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm não, viêm ruột, ỉa chảy, viêm loét giác mạc gây mù lòa…

Tuyên truyền về bệnh sở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Lý Khoái – Quảng Lâm

Trên địa bàn huyện Đầm Hà, theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế tính đến ngày 13/5/2019 đã có 03 ca dương tính với virus sởi tại bản Lý Khoái xã Quảng Lâm. Để kịp thời khống chế, không để bệnh sởi lây lan trên diện rộng, vừa qua Trung tâm Y tế Đầm Hà đã tổ chức buổi truyền thông lưu động tại các điểm trường mầm non, trường tiểu học và khu dân cư của bản Lý Khoái xã Quảng Lâm. Tại đây, các cán bộ truyền thông của Trung tâm Y tế Đầm Hà đã trao đổi nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin, phát loa tuyên truyền, phát tờ rơi cho người dân trong bản cùng với giáo viên và học sinh tại các điểm trường về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh và chăm sóc đối với trẻ mắc sởi…để họ có nhận thức đúng trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như biết cách chăm sóc con em mình khi mắc bệnh, tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Phát tờ rơi truyền thông bệnh sởi tại điểm trường mầm non Lý Khoái – Quảng Lâm

Để chủ động phòng chống bệnh sởi cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chú ý một số biểu hiện sau: Ở thời kỳ khởi phát trong khảng từ 2-8 ngày, trẻ thường có các triệu chứng như: sốt, sổ mũi, hắt hơi, ho ngày một tăng, mắt bị đỏ. Đặc biệt phía mặt trong của 2 má nổi nhiều nốt lấm tấm có màu vàng ngà. Sau thời kỳ này, trẻ sốt cao, sởi bắt đầu mọc và thường mọc ở sau tai, trán, mặt, cổ, ngực, thân, 2 tay và cuối cùng là ở 2 chân. Đặc điểm của nốt sởi là có màu đỏ hồng, to khoảng 3-4mm, khi căng da thì nốt này mất đi. Nếu không có biến chứng thì thường khoảng 1 tuần là ban sởi bay hết.

Phát tờ rơi truyền thông bệnh sởi tại điểm trường tiểu học bản Lý Khoái – Quảng Lâm

Khi trẻ mắc sởi cần vệ sinh hàng ngày bằng nước ấm để tránh nhiễm khuẩn. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ chất với những loại thức ăn mềm và chia thành nhiều bữa. Các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý: cách ly trẻ tại phòng riêng, đảm bảo thoáng, sáng, tránh gió lùa, không cho tiếp xúc với những trẻ khác để tránh lây truyền bệnh; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ bệnh sởi; giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở như lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường. Cho trẻ tiêm vắc xin là biện pháp phòng sởi an toàn, hiệu quả nhất cho trẻ. Trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục từ 39 – 40 độ trở lên, khó thở, thở nhanh, không ăn uống, lơ mơ, phát ban toàn thân mà vẫn sốt…cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh những biến chứng có thể xảy ra.

Tổng số người đã xem bản tin này: 1011

Trả lời