Ngày 30/10/2022, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà tiếp nhận bệnh nhân: D.T.T (34 tuổi), trú tại thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà) mang thai lần 2, thai 39 tuần 4 ngày vào viện trong tình trạng đau tức bụng vùng hạ vị, bệnh nhân có siêu âm và khám thai định kỳ tại cơ sở y tế.
Kết quả khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh cho thấy: Thai không cử động, không có tim thai, rau bám mặt bên phải, có máu tụ dưới bánh rau. Các bác sĩ trực hội chẩn thống nhất chẩn đoán: thai lưu, rau bong non và chỉ định mổ cấp cứu.
Xác định đây là ca mổ cấp cứu tối khẩn cấp, tính mạng của thai phụ đang bị nguy hiểm, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã khẩn trương huy động đội ngũ bác sĩ của nhiều chuyên khoa: Sản phụ khoa, hồi sức cấp cứu,…chuẩn bị phòng mổ, dự trù máu cùng nhóm để nhanh chóng phẫu thuật.
Kíp phẫu thuật do Bác sĩ CKI Lê Anh Quyến – Phó Giám đốc TTYT; Bác sĩ Đinh Thị Hà Quyên – Khoa CSSKSS và phụ sản cùng ekip phẫu thuật thực hiện mổ cấp cứu lấy thai để cầm máu. Trong phẫu thuật, bệnh nhân có tình trạng sốc, mất máu và rối loạn yếu tố đông máu, có nguy cơ phải cắt tử cung, kíp phẫu thuật đã kịp thời bổ sung 6 đơn vị huyết tương, 5 đơn vị khối hồng cầu và hội chẩn quyết định bảo tồn tử cung cho thai phụ. Ngày thứ 2 sau phẫu thuật, bệnh nhân tạm ổn định, các yếu tố đông máu đã cơ bản dần trở về chỉ số bình thường.
Bác sỹ CKI Lê Anh Quyến cho biết: Rau thai là bộ phận kết nối quan trọng để tiếp nhận dinh dưỡng của mẹ truyền cho bé. Bình thường, đến khi thai nhi ra đời, rau thai mới bong ra để đảm bảo nuôi dưỡng thai nhi liên tục. Tuy nhiên, rau bong non xảy ra khi rau thai bong trước khi thai sổ ra ngoài. Rau bong non là một cấp cứu sản khoa thường xảy ra ở ba tháng cuối của thời kỳ thai kỳ với diễn biến đột ngột, nhanh chóng có thể đe doạ tính mạng của mẹ và thai nhi do tình trạng sốc mất máu, biến chứng rối loạn đông máu hay vô niệu. Cần phải chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời mới có thể cứu sống mẹ và thai nhi.
Bác sĩ khuyến cáo: Để tránh xảy ra hiện tượng rau bong non gây nguy hiểm cho cả mẹ và con, phụ nữ khi mang thai cần được chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý; Nên đăng ký khám thai định kỳ tại cơ sở y tế ngay sau khi có thai để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén; Bổ sung axit folic trước và ngay sau khi mang thai…Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao như: xuất huyết, đau bụng dưới, hoa mắt, chóng mặt… cần khẩn trương đến ngay các cơ sở y tế để tránh các biến chứng nguy hiểm.