Dù được cảnh báo rất nhiều, nhưng không ít người đã và đang sử dụng biện pháp truyền dịch tại nhà mỗi khi ốm, sốt hoặc cơ thể mệt mỏi. Hậu quả là đã có không ít trường hợp gặp tai biến vì lạm dụng, tự ý truyền dịch.
Ngày 05/6/2023, các Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã cấp cứu kịp thời, cứu sống bệnh nhân Sốc phản vệ độ 3 do sử dụng dịch vụ truyền dịch tại cơ sở không uy tín, không có chỉ định của bác sĩ.
Trước đó, buổi trưa cùng ngày bệnh nhân T.T.Đ (58 tuổi, xã Dực Yên – huyện Đầm Hà) thấy người mệt nên đã đến cơ sở không uy tín để sử dụng dịch vụ truyền dịch, không có chỉ định của bác sĩ. Trong lúc truyền bệnh nhân thấy xuất hiện đau đầu, sốt nhẹ nên dừng truyền. Sau khi về nhà bệnh nhân thấy người càng mệt hơn, xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, tức ngực khó thở, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà cấp cứu trong tình trạng nguy kịch huyết áp tụt, khó thở nhiều.
Ngay lập tức bệnh nhân được kíp cấp cứu hồi sức tích cực, xử trí theo đúng phác đồ chống sốc, sau 10 phút bệnh nhân thoát sốc, qua cơn nguy kịch.
Hiện tại bệnh nhân tiếp tục được theo dõi điều trị tại khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức – Cấp cứu và Chống độc, các chỉ số sinh tồn đã ổn định.
Đây là trường hợp Phản vệ độ 3 do truyền dịch có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Không phải cứ ốm, sốt… là truyền dịch:
Kỹ thuật truyền tuy khá đơn giản nhưng có thể gặp tai biến từ nhẹ đến nặng. Đặc biệt nguy hiểm khi truyền dịch ở nhà không có đủ phương tiện để xét nghiệm, cấp cứu khi xảy ra tai biến. Có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi bổ sung không đúng các chất vào cơ thể như sau:
+ Người bị suy tim, tim đã co bóp yếu mà truyền dịch vào nhanh quá tim không co bóp được dẫn đến ứ nước trong phổi làm phù phổi, suy tim, suy hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
+ Người bị suy thận, đặc biệt ở thể thiểu niệu hay vô niệu nếu đưa dịch truyền vào nhanh quá, thận sẽ không thải nổi cũng gây ứ nước trong cơ thể, gây phù
+ Một số người khỏe mạnh khi tự ý truyền dịch hoa quả để bồi bổ sức khỏe, làm đẹp da có thể sinh ra “lười ăn”, phù tim, thận vì đột ngột đưa vào cơ thể lượng dinh dưỡng và lượng nước quá lớn.
+ Khi tự ý truyền dịch tại nhà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh như viêm gan B, C, HIV/AIDS… do kỹ thuật truyền không đúng, không đảm bảo vô trùng.
Ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, đúng kỹ thuật cũng có thể gặp phải một số tai biến sau:
+ Tại chỗ tiêm truyền bị phù, sưng đau hoặc lan tỏa ra xung quanh làm cho vùng da đó bị viêm tấy đỏ, thậm chí có thể bị hoại tử, nhất là khi truyền các loại dịch cung cấp chất dinh dưỡng.
+ Có thể bị rét run, vã mồ hôi, khó thở, đau tức ngực,…
Cần nghe tư vấn của bác sĩ:
Dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, vì vậy, liều dùng phải do bác sĩ chỉ định. Trước khi truyền, bệnh nhân cần phải khám tim, phổi, đo mạch… Ngoài ra, để đề phòng rủi ro, trước khi truyền, nhân viên y tế cần kiểm tra kỹ chất lượng dịch truyền, đồng thời lắc chai thuốc kiểm tra xem có vẩn đục hay không và chỉ dùng những chai thuốc trong suốt. Chỉ được truyền chai thuốc còn hạn dùng, thuốc đã mở nắp phải dùng ngay. Trong quá trình truyền dịch, người bệnh cần được theo dõi liên tục để đề phòng các tai biến xảy ra. Một số trường hợp chống chỉ định truyền dịch, như: Người bị suy thận cấp, suy thận mãn, suy gan, viêm gan nặng, chấn thương sọ cấp..
Vì vậy khi bị ốm, mệt chúng ta không nên sử dụng biện pháp truyền dịch tại nhà mà phải đi khám tại các Bệnh viện, cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn, đầy đủ thuốc cấp cứu chống choáng, chống sốc, dụng cụ và thiết bị xử lý các tai biến có thể xảy ra, phải có người theo dõi để khi có tai biến xử lý được kịp thời./.
ĐTC