Vào những ngày hè, thời tiết nóng bức hơn, mức nhiệt độ cao hơn và cái nắng chói chang hơn, việc tắm vào đêm muộn và sử dụng điều hòa ở nhiệt độ thấp là thói quen dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, thói quen này là một trong những yếu tố có thể gây nên bệnh Liệt mặt hay còn gọi là Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên.

Liệt dây thần kinh số VII xảy ra khi dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến tình trạng sưng và viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân như: Bị trúng gió, nhiễm lạnh đột ngột; do mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm tai xương chũm nhưng không được điều trị kịp thời nên dẫn đến biến chứng; do virus zona; do chấn thương hoặc tác động từ phẫu thuật ở vùng thái dương, vùng xương chũm, vùng mặt hoặc tai. Hay gặp nhất là do lạnh.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, như: Mặt mất cân đối, miệng méo lệch về 1 bên, bên liệt khó mỉm cười, khó hoặc không thể khép miệng lại, chảy dãi, mí mắt bị sụp, khô mắt, không thể nháy hoặc nhắm mắt, bên mặt bị liệt dễ bị đọng thức ăn, uống nước bị trào ra, không huýt sao, không thổi lửa được, giảm hoặc mất vị giác 2/3 trước lưỡi…

Hình ảnh minh họa bệnh nhân bị liệt mặt trước và sau điều trị

Bác sĩ Trần Thị Tuyên (Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà) cho biết: “Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do nhiều nguyên nhân, hay gặp nhất là do nhiễm lạnh đột ngột. Đây là căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống, làm mất tính thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp và khó khăn trong thể hiện cảm xúc. Nếu không được điều trị đúng cách bệnh có thể để lại nhiều di chứng như: viêm giác mạc, lộn mí, loét giác mạc, co giật mắt hoặc các cơ quanh mắt, chảy nước mắt thường xuyên”.

Để điều trị bệnh nhân liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có nhiều phương pháp khác nhau. Một trong số đó là điều trị bằng phương pháp Y học cổ truyền đã cho thấy ưu điểm nổi trội và sự cải thiện đáng kể trong phục hồi chức năng thần kinh mặt.

Bệnh nhân bị liệt mặt đang được điều trị bằng phương pháp Ôn châm (Ôn châm là phương pháp vừa châm kim vừa cứu ngải trên cùng một huyệt)

Thời gian qua, Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng Trung tâm Y tế Đầm Hà đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều trường hợp bị liệt dây thần kinh số VII. Hầu hết những người mắc bệnh ở mức độ nhẹ và được chữa trị sớm thì khả năng khỏi bệnh là rất cao. Thống kê cho thấy có khoảng 70 – 80% bệnh nhân khỏi bệnh sau 1 – 3 tháng sau khi được điều trị bằng phương pháp Y học cổ truyền. Người trẻ tuổi có khả năng hồi phục nhanh hơn, người cao tuổi thì thường chậm hồi phục hơn và có thể không khỏi hoàn toàn. Đối với những trường hợp bị liệt dây thần kinh số VII ở mức độ nặng, áp dụng các biện pháp điều trị muộn thì rất khó khỏi và khoảng 80 – 90% trường hợp sẽ bị méo miệng khi cười.

Mức độ liệt dây thần kinh số VII ở mỗi người không giống nhau, muốn biết được chính xác tình trạng liệt dây thần kinh số VII thì cần phải đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám ngay khi nghi ngờ có biểu hiện liệt mặt. Bệnh càng chữa sớm thì khả năng khỏi càng cao. Điều trị muộn có thể gây thoái hóa dây thần kinh, một số trường hợp còn có chiều hướng tiến triển xấu do tự ý điều trị sai cách.

Với đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên tay nghề cao, giàu kinh nghiệm điều trị, sở hữu đa dạng các bài thuốc, các kỹ thuật châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, cứu ngải, cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại như máy điện châm, điện xung, hồng ngoại, siêu âm,… khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà dần trở thành địa chỉ tin cậy, không chỉ điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên mà còn điều trị bệnh khác bằng phương pháp Đông – Tây y kết hợp. Tùy tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể, đặc biệt quan tâm đến sức khỏe, sự thoải mái của người bệnh, cam kết mang lại một trải nghiệm chăm sóc y tế toàn diện cho người bệnh./.

Tổng số người đã xem bản tin này: 1007

Trả lời