Ngày 02/4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn.

Ths.Bs Vũ Minh Hạnh – Giám đốc TTYT Đầm Hà đang tư vấn cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) là một trong những rối loạn phát triển hay gặp ở trẻ em. Trẻ RLPTK với ba điểm đặc trưng là khiếm khuyết tương tác xã hội, khó khăn trong giao tiếp, có những hành vi hạn hẹp định hình và lặp lại. RLPTK không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ (gây ảnh hưởng đến khả năng thích ứng xã hội và độc lập của trẻ khi trưởng thành) mà còn tác động rất lớn đến gia đình và xã hội. Các biểu hiện của bệnh thường khởi phát sớm trước năm 3 tuổi và kéo dài dai dẳng cho đến khi trưởng thành hoặc suốt cả đời. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp xuất hiện muộn hơn sau 3 tuổi. Trẻ nhỏ trong 3 năm đầu đời vẫn có tốc độ phát triển tốt như bình thường, tuy nhiên đến một giai đoạn nhất định, các kỹ năng đã từng học được bắt đầu bị thoái hóa, suy yếu, các biểu hiện tự kỷ được biểu hiện rõ ràng và dễ nhận biết.

Các triệu chứng liên quan đến tự kỷ có thể được phát hiện rất sớm từ trước 12 tháng tuổi và trở nên rõ nét hơn khi 2-3 tuổi, nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời giúp làm tăng khả năng cải thiện triệu chứng và giảm khả năng xuất hiện các bất thường không đáng có (rối loạn hành vi, chậm phát triển, rối loạn giấc ngủ …) trong những năm tiếp theo của cuộc đời.

Do đó, các bậc phụ huynh cần hiểu và nắm rõ các biểu hiện sau đây để có thể nhận biết tự kỷ ở giai đoạn sớm nhất có thể.

* Khả năng giao tiếp kém: Hạn chế khả năng giao tiếp là biểu hiện đặc trưng của rối loạn phổ tự kỷ
– Hạn chế về khả năng sử dụng ngôn ngữ, vốn từ nghèo nàn, hạn hẹp.
– Trẻ chậm nói, nói ít hoặc không nói, thường phát ra các từ ngữ, âm thanh vô nghĩa hoặc không đúng ngữ cảnh.
– Trẻ gặp khó khăn trong việc bày tỏ các quan điểm, ý kiến và mong muốn cá nhân.
– Có xu hướng nhại lời người khác hoặc chỉ nói khi có nhu cầu cần thiết như muốn đi chơi, muốn ăn, muốn đi vệ sinh,…
– Trẻ chỉ nói được những từ cơ bản, phần lớn không biết đặt câu hỏi, không biết cách kể chuyện.
– Giọng nói của trẻ tự kỷ cũng khác thường, trẻ hay nói to, nói nhanh, nói ngọng, nói lơ lớ, phát âm không rõ.

* Suy giảm khả năng tương tác xã hội
– Trẻ không có nhiều hứng thú với các hoạt động vui chơi, giải trí xung quanh.
– Trẻ có xu hướng thích ở một mình, ngại tương tác; Trẻ không biết chơi các trò chơi giả vờ, tưởng tượng.
– Trẻ không có phản ứng khi được gọi tên, thường lờ đi trước các tác động bên ngoài.
– Rất hạn chế hoặc thậm chí là không bao giờ giao tiếp bằng ánh mắt.
– Trẻ chỉ thích một hoặc một vài trò chơi, đồ vật nhất định và không muốn chia sẻ sở thích với bất kỳ ai.
– Khi tương tác với người khác, trẻ ít hoặc không thể hiện bằng cử chỉ, biểu cảm gương mặt.
– Không làm theo hướng dẫn, không chú ý và tập trung vào các chỉ dẫn của người khác.
– Trẻ ít khi bộc lộ cảm xúc trên nét mặt, không thể hiện vui buồn.

* Rối loạn hành vi
– Thường có những hành vi rập khuôn, hay lặp đi lặp lại các hành động vô nghĩa như lắc lư người, xoay tròn, nhón gót, vỗ tay, vẫy tay, nhảy nhót, đi qua lại, đan tay vào nhau, ngắm nhìn bàn tay,…
– Có những sở thích lạ, bất thường như ngắm nhìn các chuyển động xoay tròn, xem liên tục một phần quảng cáo, đóng mở cửa nhiều lần,…
– Thường chơi các trò chơi hoặc sinh hoạt theo một thứ tự nhất định.
– Khó khăn trong việc thích nghi và thay đổi môi trường sống.
– Bị hạn chế về sở thích, chỉ quan tâm đến các chi tiết nhỏ.
* Song song với các dấu hiệu điển hình, rối loạn phổ tự kỷ còn có thể kèm theo các triệu chứng như:
– Thường xuyên kích động, tự làm tổn thương bản thân.
– Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, thực phẩm, mùi vị,…
– Rối loạn cảm xúc, thường xuyên căng thẳng, lo lắng quá mức.
– Hiếu động, tăng động quá mức.
– Thiếu sự nhận thức về sự nguy hiểm.

Các tổn thương ở não bộ do rối loạn phổ tự kỷ gây ra sẽ kéo dài vĩnh viễn và hiện vẫn chưa có bất kỳ biện pháp nào có khả năng điều trị tận gốc. Đồng thời, các triệu chứng và biểu hiện của căn bệnh này rất đa dạng nên việc phát hiện và can thiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu có thể kịp thời phát hiện các triệu chứng tự kỷ ở giai đoạn sớm và áp dụng tốt các biện pháp hỗ trợ phù hợp thì người bệnh vẫn có khả năng phát triển, cải thiện các khiếm khuyết, nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Do đó, khi thấy con có dấu hiệu từ 3 triệu chứng trên, cha mẹ hãy đưa con đến ngay các cơ sở chuyên khoa để khám và can thiệp kịp thời.

Tổng số người đã xem bản tin này: 153

Trả lời