Mùa hè là mùa bệnh dại rất dễ bùng phát do thời tiết nóng ẩm là điều kiện môi trường thuận lợi cho vi rút dại phát triển, chó bị bệnh dại trong thời tiết nắng nóng cũng dễ bị kích thích, hung dữ hơn nên khả năng tấn công người và các con chó khác nhiều hơn. Cùng với thói quen thả rông chó của người dân nên việc lan truyền bệnh dễ dàng hơn và cũng dễ làm bùng phát bệnh dại trên người.

Trong 8 tháng đầu năm 2018 Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã tiếp nhận, tư vấn và điều trị 87 ca bị súc vật cắn, chủ yếu là chó. Trước tình trạng đó, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã chủ động tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn những thông tin cần thiết về bệnh dại cũng như khuyến cáo người dân khi bị súc vật cắn phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời và tư vấn, hướng dẫn cách phòng tránh bệnh dại.

Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là bệnh Viêm não tủy cấp tính xảy ra ở động vật có vú, tác nhân gây bệnh là vi rút dại. Bệnh lây truyền từ động vật bị dại sang người qua vết cắn, vết xước, vết liếm trên lớp da, niêm mạc bị tổn thương (thường là chó, mèo…)
Biểu hiện của bệnh dại trên người

Thời kỳ ủ bệnh trung bình là 30- 90 ngày, có những trường hợp nhanh dưới 20 ngày hoặc đôi khi kéo dài cả năm. Người bị mắc bệnh dại thường biểu hiện: Co cứng, co thắt, co giật, run các cơ kể cả cơ ở mặt. Khi lên cơn dại thường sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, thể trạng suy sụp nhanh, hôn mê, ngất và tử vong.

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh dại, đến nay chưa có thuốc đặc hiệu chữa bệnh dại lên cơn. Do đó, tiêm kháng huyết thanh và vắc xin dại là cách duy nhất cấp cứu có hiệu quả cho người bị súc vật cắn.

Xử trí khi bị súc vật cắn:

Rửa tay thật kỹ vết cắn bằng xà phòng đặc và nhiều nước, sau đó rửa bằng nước muối, bôi các chất sát khuẩn như: cồn, cồn I ốt đậm hay betadine…Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, các loại dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau bị cắn.
Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được các bác sĩ tư vấn về liệu trình điều trị dự phòng, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Cách phòng tránh bệnh dại:

Nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi chó phải nhốt, xích, rọ mõm và tiêm phòng dại cho chó, mèo. Những người có tiếp xúc với chó mèo dại hoặc bị chó mèo dại cắn phải tiêm phòng càng sớm càng tốt.

Tổng số người đã xem bản tin này: 1364