Trong bối cảnh bệnh dại vẫn đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, từ ngày 25/03/2024, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã chính thức triển khai tiêm huyết thanh kháng dại, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực kiểm soát và phòng chống bệnh Dại trên địa bàn huyện Đầm Hà.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nhân sự và trang thiết bị y tế, Phòng tiêm chủng dịch vụ – Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà sẵn sàng cung cấp dịch vụ tiêm huyết thanh kháng Dại cho người bị động vật nghi Dại cắn hoặc cào ở vùng gần thần kinh trung ương hoặc nhiều dây thần kinh như đầu, mặt, cổ, đầu ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục; người bị cắn bởi chó, mèo có biểu hiện Dại, mất tích không theo dõi được…

Người dân trên địa bàn huyện Đầm Hà nói riêng cũng như khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh nói chung, đã có thể không còn phải đi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh như trước đây để tiêm huyết thanh kháng dại. Thay vào đó, đã có TTYT huyện Đầm Hà là một điểm tiêm huyết thanh kháng Dại gần hơn, tiện lợi hơn cho việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Điều này sẽ giúp giảm chi phí đi lại, giảm giá thành và thời gian, đảm bảo cho các đối tượng có chỉ định tiêm huyết thanh kháng Dại sẽ được tiêm sớm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Nhân viên Y tế tại phòng tiêm tiến hành tư vấn tiêm huyết thanh kháng dại cho bệnh nhân

Bác sĩ Lê Thị Hồng Nhung, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật – TTYT Đầm Hà nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu và đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể được tiếp cận với dịch vụ tiêm huyết thanh kháng Dại một cách kịp thời nhất. Mỗi bệnh nhân được chỉ định tiêm huyết thanh kháng Dại tại Phòng tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đều sẽ được tư vấn và thăm khám, kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng trước khi tiêm huyết thanh kháng Dại”.

Nhân viên Y tế tiến hành tiêm huyết thanh kháng Dại cho bệnh nhân

Những ưu điểm khi người dân tiêm huyết thanh kháng Dại tại TTYT Đầm Hà:
– Được bác sĩ có chuyên môn và giàu kinh nghiệm khám, sàng lọc trước tiêm. Nhân viên Y tế chuyên nghiệp, tận tình, thân thiện.
– Huyết thanh kháng Dại có nguồn gốc rõ ràng, và được bảo quản trong tủ lạnh chuyên dụng đạt chuẩn với nhiệt độ được kiểm soát từ 2 độ C đến 8 độ C. Điều này đảm bảo sự ổn định và hiệu quả của huyết thanh trước khi sử dụng.
– Phòng tiêm được trang bị đầy đủ các thuốc và các trang thiết bị cấp cứu. Ekip cấp cứu của Trung tâm luôn sẵn sàng hỗ trợ nhanh chóng để giảm tối đa tổn thương nếu bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ sau tiêm huyết thanh kháng Dại.
– Thông tin tiêm chủng của bệnh nhân được đồng bộ hóa và cập nhật trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, giúp người bệnh không bị lỡ hoặc thừa mũi tiêm nào, góp phần đảm bảo việc tiêm chủng được thực hiện đúng cách và đúng lịch trình.

Bệnh nhân ổn định sau tiêm huyết thanh kháng Dại

Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà cam kết và nỗ lực trong việc đảm bảo dịch vụ tiêm huyết thanh kháng Dại nói riêng và tiêm chủng vắc xin dịch vụ nói chung an toàn và chất lượng, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho nhân dân.

Huyết thanh kháng dại (SAR) là gì?
Huyết thanh kháng dại là một dung dịch không màu hoặc màu vàng nhạt, chứa kháng thể kháng vi-rút dại. Huyết thanh kháng dại (SAR) có tác dụng tạo miễn dịch thụ động, làm chậm sự lan tỏa của vi- rút dại và bảo vệ được người bệnh cho tới khi cơ thể tự sinh ra miễn dịch sau khi tiêm vắc xin phòng Dại.
Huyết thanh kháng dại (SAR) được dùng trong trường hợp cho các đối tượng bị phơi nhiễm với vi-rút dại như tiếp xúc với súc vật (chó, mèo…) đã xác định hoặc nghi ngờ mắc dại.

Huyết thanh kháng dại được chỉ định trong các trường hợp:
– Bệnh nhân bị chó dại cắn.
– Súc vật có triệu chứng ốm, nghi mắc dại, chó chạy rông, mất tích không theo dõi được.
– Vết cắn, cào gần vùng thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ.
– Vết cắn, cào ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục.
– Người bị chó, mèo cắn đa vết thương, vết thương tổn thương sâu…

Tác dụng không mong muốn của huyết thanh kháng dại:
Một số tác dụng không mong muốn đối với người bệnh dại sau khi tiêm huyết thanh kháng dại gồm:
– Tại chỗ: Tổn thương loét hay căng cứng cơ có thể xảy ra ở vị trí tiêm. Phản ứng có thể tự khỏi trong vòng 3 ngày.
– Toàn thân: có thể sốt nhẹ, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, đau khớp và mệt mỏi.
– Hiếm gặp: Choáng, sốc phản vệ, viêm khớp, viêm thận.
– Biểu hiện phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay tức thời sau khi tiêm huyết thanh, sau vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí sau 10 ngày.
Để huyết thanh kháng dại phát huy tối đa tác dụng thì người bị súc vật cắn cần phải tiêm đúng thời điểm và tuân thủ chặt chẽ phác đồ tiêm vắc xin phòng dại của bác sĩ. Việc tiêm đúng liều, đúng thời điểm đóng vai trò hết sức quan trọng trong điều trị dự phòng bệnh dại.

Tổng số người đã xem bản tin này: 358

Trả lời