Bệnh lý đường tiêu hóa là một nhóm bệnh phổ biến, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Để chẩn đoán được chính xác bệnh, nội soi tiêu hóa là cần thiết và đây là phương pháp có độ tin cậy cao nhất. Phương pháp này được thực hiện đơn giản bởi các chuyên gia có kinh nghiệm, tuy nhiên nhiều bệnh nhân cũng than phiền về những khó chịu mà nội soi gây nên, như: lo lắng, nôn ọe kích thích vùng cổ họng khi nội soi dạ dày, cảm giác đau chướng bụng khi nội soi đại tràng.
Để tránh những khó chịu trên, giúp người bệnh dễ dàng chấp nhận nội soi, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã triển khai Kỹ thuật nội soi tiêu hóa gây mê từ tháng 8 năm 2018 đến nay, với trên 5000 lượt soi an toàn.
Đây là phương pháp giúp cho người bệnh “ngủ” trong suốt quá trình nội soi, lợi ích đem lại là người bệnh sẽ không còn cảm giác khó chịu, nôn ọe, đau hay sợ hãi. Bác sĩ chuyên môn thực hiện nội soi dạ dày bằng cách sử dụng ống nội soi đưa vào qua đường miệng hoặc đường mũi đến thực quản rồi xuống dạ dày và tá tràng để chẩn đoán. Hình ảnh truyền về sẽ giúp các bác sĩ phát hiện những bất thường xuất hiện trong đường tiêu hóa nhằm chẩn đoán và điều trị những bệnh lý của đường tiêu hóa. Khi kết thúc, người bệnh tỉnh hoàn toàn, cảm giác thoải mái, không có cảm giác là mình vừa trải qua cuộc nội soi. Trong quá trình nội soi, người bệnh nằm yên giúp cho thầy thuốc thực hiện tốt hơn công việc của mình, quan sát kĩ hơn, chính xác hơn, làm thủ thuật thuận lợi, giảm thiểu được những tai biến không đáng có.
Chỉ định:
Nội soi tiêu hóa gây mê ( nội soi dạ dày gây mê, hoặc nội soi đại tràng gây mê) được áp dụng cho những trường hợp sau:
– Chẩn đoán bệnh ở thực quản, dạ dày, tá tràng, đại tràng như: viêm, loét, ung thư, polyp, chảy máu, nuốt dị vật …
– Điều trị bệnh: Tiêm cầm máu, lấy dị vật, cắt polyp, thắt tĩnh mạch thực quản, sinh thiết chẩn đoán ung thư …
Chống chỉ định
– Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng nội soi tiêu hóa gây mê được khuyến cáo không nên thực hiện đối với:
+ Bệnh nhân từ chối nội soi hoặc gây mê.
+ Thủng ống tiêu hóa hoặc nghi thủng.
+ Dị ứng với thuốc gây mê.
– Một số trường hợp cần cân nhắc trước khi nội soi:
+ Xác định tình trạng tiền mê theo phân loại ASA độ III – IV trở lên
+ Mới phẫu thuật khâu nối ống tiêu hóa trong vòng 7 ngày.
+ Bệnh nhân quá già (>80 tuổi), suy kiệt nặng.
+ Bệnh nhân đang trong tình trạng sốc, suy hô hấp, suy tuần hoàn, thiếu máu nặng.
+ Bệnh nhân có thai.
Chuẩn bị nội soi
– Chuẩn bị lực lượng chuyên môn: Nội soi tiêu hóa gây mê được tiến hành với 1 kíp thủ thuật gồm: 1 bác sỹ nội soi, 1 bác sỹ gây mê, 2 điều dưỡng phụ.
– Chuẩn bị bệnh nhân: Người bệnh cần thông báo cho bác sỹ tình hình sức khỏe, những bệnh mình đang mắc phải. Người bệnh sẽ được hướng dẫn chuẩn bị như sau:
+ Nếu nội soi dạ dày: Nhịn ăn ít nhất 6h trước nội soi. Nếu bệnh nhân có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… cần dùng thuốc thì vẫn dùng thuốc bình thường nhưng xem xét chỉnh liều.
+ Nếu nội soi đại tràng: chuẩn bị làm sạch đại tràng theo quy trình.
+ Có người nhà đi kèm.
+ Kết thúc nội soi: bệnh nhân được chăm sóc, theo dõi tại phòng hồi tỉnh đến khi tỉnh hẳn. Đánh giá các chức năng: ý thức, hô hấp, tim mạch, vận động trước khi xuất viện. Thời gian theo dõi là 1 giờ sau hồi tỉnh. Bệnh nhân chỉ được ăn lại sau gây mê 3 giờ. Không được điều khiển xe ít nhất 2 giờ sau nội soi.
Qua 5 năm triển khai và phát triển, kỹ thuật Nội soi tiêu hóa gây mê tại Trung tâm Y tế Đầm Hà đã thực hiện trên 5000 lượt, ngày càng nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về thăm dò chuẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa, bên cạnh kỹ thuật nội soi tiêu hóa thông thường, hiện nay hằng ngày tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà luôn triển khai kỹ thuật Nội soi gây mê do các Bác sỹ chuyên khoa có kinh nghiệm lâu năm phụ trách. Kỹ thuật này đang được thực hiện hàng ngày trên hệ thống máy hiện đại TC200 của Do Đức sản xuất, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả chẩn đoán và điều trị tốt nhất, mang đến sự hài lòng cho người bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong huyện Đầm Hà./.