Để chủ động phòng tránh các bệnh: bạch hầu, ho gà , uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib gây ra. Từ tháng 01/2019 Bộ Y tế sử dụng vắc xin ComBE Five để thay thế vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng, do hiện nay nhà sản xuất đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem.

Vắc xin Combe Five do Ấn Độ sản xuất, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, đã được sử dụng ở 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều và sẽ chính thức được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh từ tháng 1/2019. Vắc xin Combe Five có thành phần và lịch tiêm chủng tương tự với vắc xin Quinvaxem nên khi đưa vắc xin ComBE Five vào sử dụng trong TCMR sẽ có nhiều thuận lợi. Trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm vắc xin Quinvaxem sẽ được tiêm vắc xin ComBE Five thay thế theo lịch tiêm chủng và nếu đã tiêm vắc xin Quinvaxem nhưng chưa đủ mũi sẽ được tiêm tiếp ComBE Five các mũi tiếp theo.

Để đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ cao trong phòng bệnh khi triển khai tiêm phòng vắc xin ComBE Five trên địa bàn huyện Đầm Hà. Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Phòng Y tế huyện Đầm Hà tổ chức tập huấn cho cán bộ tiêm chủng về chuyển đổi sử dụng vắc xin ComBe Five, thực hiện đúng các qui định về an toàn tiêm chủng, đặc biệt là công tác khám sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn cho bà mẹ theo dõi phát hiện sớm phản ứng sau tiêm chủng và xử trí phản ứng sau tiêm; Tập huấn về phòng chống, xử trí sốc phản vệ sau tiêm; Tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn toàn huyện và về chuyển đổi sử dụng vắc xin ComBe Five trong tiêm chủng mở rộng, để các cấp, các ngành và toàn thể người dân trên địa bàn biết thông tin, phối hợp với các cơ sở tiêm chủng thực hiện tốt kế hoạch đề ra; Tổ chức kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn toàn huyện; khẩn trương hoàn thiện các điều kiện đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng; dự trù, tiếp nhận vắc xin, đảm bảo hệ thống dây chuyền lạnh phục vụ việc bảo quản vắc xin từ huyện đến xã và thực hiện việc cấp phát vắc xin theo quy định; chuẩn bị sẵn các phương án xử trí tại điểm tiêm chủng, sẵn sàng cấp cứu đối với các trường hợp tai biến sau tiêm.

Để trẻ được phòng bệnh đầy đủ các bà mẹ hãy đưa con đến Trạm Y tế, xã thị trấn tiêm vắc xin, khi cho trẻ đi tiêm cần phối hợp với cán bộ y tế để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ. Chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ với cán bộ y tế khi trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước: sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm…Sau khi tiêm cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1-2 ngày sau tiêm về các dấu hiệu: tinh thần, bú mẹ, ăn, ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng sưng đau tại chỗ tiêm…Tuyệt đối không để trẻ một mình kể cả khi ngủ để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi hàng giờ, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.

Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có các dấu hiệu như: sốt cao trên 39°C, co giật, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì (ngủ nhiều hơn bình thường), mệt lả, bú kém, bỏ bú, phát ban…hoặc khi phản ứng kéo dài trên một ngày.

Tổng số người đã xem bản tin này: 1581