Ngày 26/5/2022, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà tiếp nhận bệnh nhân H.T.L (57 tuổi) trong tình trạng mệt mỏi nhiều, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt, đau tức thượng vị, ơ hơi, ợ chua. Sau khi các bác sĩ tiến hành thăm khám, chỉ định thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng, xét nghiệm cần thiết khác. Kết quả xét nghiệm: RBC 3.05 T/L, HGB 52 g/L, HCT 0.2062 L/L. Kết quả nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng: Trong dạ dày và hành tá tràng có hình ảnh nhiều giun móc. Các bác sĩ thống nhất chẩn đoán: Thiếu máu nặng/ viêm niêm mạc dạ dày/ nhiễm giun móc. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức – Cấp cứu và Chống độc của Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà.

Giun móc là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh thiếu máu mạn tính. Để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh đối với sức khỏe, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây bệnh, cũng như các triệu chứng và cách phát hiện bệnh.

1. Bệnh giun móc là gì?

Bệnh này thực chất do hai nguyên nhân gây ra là: giun móc (Ancylostoma duodenale) và giun mỏ (Necator americanus) – đều thuộc họ Ancylostomidae kí sinh ở người. Tuy nhiên, về đặc điểm sinh học, dịch tễ, chẩn đoán, điều trị và phương pháp phòng bệnh gần giống nhau, do đó bệnh do chúng gây ra được gọi chung là bệnh giun móc (hoặc giun mỏ).

Ấu trùng và giun trưởng thành sống trong ruột của người hoặc động vật bị bệnh. Nếu đối tượng bị nhiễm bệnh đi ngoài hoặc phân của họ được dùng làm phân bón thì trứng giun sẽ bám vào đất. Trứng sẽ trưởng thành và nở ra ấu trùng có khả năng xâm nhập vào da người. Những người đi chân không trên những khu đất này sẽ bị nhiễm giun móc vì thường ấu trùng giun móc rất nhỏ nên không thể nhìn thấy. Khi vào vòng tuần hoàn máu, giun móc sẽ đến phổi và cổ họng, sau đó đi vào ruột gây bệnh tại các cơ quan nói trên.

Khi kí sinh tại tá tràng, giun móc hút khoảng 0,2 – 0,34 ml máu/ngày, gây viêm hành tá tràng và tiết ra chất chống đông, chất ức chế sản sinh hồng cầu, gây mất máu mạn tính.

2. Triệu chứng khi mắc bệnh giun móc?

Khi bị giun móc, bệnh nhân không có biểu hiện đặc hiệu, chỉ có đau vùng thượng vị (tùy mức độ nhiễm giun) và các triệu chứng của thiếu máu như da xanh, niêm mạc nhợt. Triệu chứng đau của bệnh nhân cũng không đặc hiệu, đau bất kì lúc nào, lúc đói đau nhiều hơn, ăn uống kém, đầy bụng khó tiêu. Ngoài ra khi ấu trùng giun móc/giun mỏ xuyên qua da sẽ gây viêm da tại chỗ với biểu hiện ngứa, có các nốt đỏ kéo dài 1 – 2 ngày (nhiễm giun mỏ hay bị viêm da hơn giun móc).

Để xác định có mắc bệnh hay không, bệnh nhân cần tới thăm khám tại các cơ sở y tế và làm xét nghiệm phân tìm trứng giun.

3. Đối tượng nguy cơ bệnh Giun móc

– Những người tiếp xúc với môi trường không hợp vệ sinh có khuẩn ấu trùng giun móc, nhất là ở nông thôn làm nghề trồng trọt, dùng phân sống bón ruộng,…
– Ăn thực phẩm có chứa loại ấu trùng giun móc: rau sống, rau rửa không sạch,…
– Hầu hết các ca nhiễm giun đường ruột nhiễm lượng giun lớn thường gặp trên đối tượng bệnh nhân là trẻ em là chủ yếu,
– Tỷ lệ và cường độ nhiễm giun móc ở phụ nữ thường cao hơn so với nam giới.
– Những công nhân làm việc hầm mỏ, khoáng. Một số nghề nghiệp thuận lợi cho nhiễm bệnh giun móc: trồng cao su, cà phê, tiêu, đóng hạt latex, làm việc chân đất, không sử dụng hố xí hợp vệ sinh khi ở các điều kiện như thế.

4. Để phòng chống bệnh giun móc, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo:
– Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, tăng cường giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường không nhiễm phân.
– Tạo nếp giữ vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, ăn chín, uống sôi.
– Không dùng phân tươi để bón ruộng vườn.
– Mang đồ bảo hộ lao động khi lao động sản xuất có tiếp xúc với đất.
– Ở vùng hầm mỏ, tiến hành khám sức khỏe hàng năm và xét nghiệm ít nhất 1 lần/năm.
– Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: tẩy giun định kì 2 lần/năm, thời gian giữa 2 lần cách nhau 4 – 6 tháng.
– Ngay khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm giun móc, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có phương pháp điều trị kịp thời và chính xác./.

Tổng số người đã xem bản tin này: 1347

Trả lời