Ngày 23/01/2024, TTYT Đầm Hà tiếp nhận bệnh nhân nhi C.C.L (6 tuổi, Quảng Lâm) nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều, không ăn uống được. Qua thăm khám lâm sàng và thực hiện siêu âm, xét nghiệm, các bác sĩ TTYT Đầm Hà chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm độc rượu mức độ trung bình. Bệnh nhi nhanh chóng được truyền dịch, bù nước điện giải và theo dõi tại khoa hồi sức – chống độc. Hiện tại bệnh nhi đã ổn định và chuẩn bị xuất viện.

Theo lời kể của gia đình, ngày 21/01/2024, trong lúc bố mẹ vắng nhà, bệnh nhi và anh trai 10 tuổi đã tự uống rượu trắng (2 vỏ chai rượu, định lượng không rõ). sau khi uống rượu, bệnh nhi bị chóng mặt, nôn nhiều, đau bụng. Đến 16h ngày 23/01/2024, bệnh nhi vẫn nôn nhiều và đau bụng, gia đình mới đưa đến TTYT. Đây là trường hợp ngộ độc rượu nhỏ tuổi nhất được tiếp nhận tại TTYT Đầm Hà.

Ngộ độc rượu bia là tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi cơ thể uống một lượng đồ uống có cồn nhiều hơn mức cơ thể chấp nhận trong thời gian ngắn. Sử dụng quá nhiều rượu bia sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, có khả năng dẫn đến hôn mê và tử vong. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, gan và chức năng trao đổi chất chưa phát triển hoàn thiện, khả năng dung nạp và phân giải cồn trong cơ thể rất kém, nên khi trẻ uống các đồ uống có cồn, rượu hoa quả cũng rất dễ bị ngộ độc rượu.

Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu bia gia tăng trong các buổi liên hoan, tất niên, sum họp gia đình, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia và ngộ độc rượu cũng cao hơn. Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, Trung tâm Y tế Đầm Hà khuyến cáo người dân nên:
– Hạn chế hoặc uống rượu bia có chừng mực (không quá 30ml rượu/ngày hoặc không quá 500ml bia/ngày).
– Uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng đường tiêu hóa.
– Không nên uống rượu bia lúc đói.
– Không nên uống rượu bia cùng đồ uống có gas, điều này làm tăng khả năng hấp thu rượu bia vào máu. Trước khi uống rượu bia nên uống nước lọc, ăn các thực phẩm giàu protein để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
– Không nên uống rượu bia cùng với thuốc Aspirin do aspirin có khả năng gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu bia rượu vào máu.
– Không nên uống rượu bia cùng với Cafein do có thể làm tăng nguy cơ tử vong vì hội chứng sốc độc tố.
– Đặc biệt, tuyệt đối không cho trẻ dưới tuổi vị thành niên uống rượu bia, vì thế cần phải:
+ Quản lý chặt chẽ, cất giữ các hóa chất, thuốc men, rượu, bia ở nơi an toàn, xa tầm tay trẻ nhỏ.
+ Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc sớm với rượu, bia.
+ Ngay khi trẻ có dấu hiệu ngộ độc rượu như nôn, mất cân bằng cơ thể, nói níu lưỡi, không thể đi lại được, ngất lịm…gia đình cần lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh các biến chứng về sau.

Ngộ độc rượu bia ở mức độ nặng cần phải can thiệp và cấp cứu ngay lập tức. Các triệu chứng ngộ độc rượu bia cần cấp cứu bao gồm:
– Động kinh
– Nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt)
– Bất tỉnh, gọi hỏi không biết
– Co giật
– Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo
– Thở khò khè, ứ đọng đờm ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm (dưới tám hơi thở một phút), thở không đều (khoảng cách hơn 10 giây giữa các nhịp thở), có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.
– Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh
– Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai
– Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng
Khi bệnh nhân ngộ độc rượu và xuất hiện một trong các triệu chứng trên cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Ngộ độc rượu bia mức độ nặng không thể tự khỏi và không thể tự điều trị tại nhà bằng các thuốc hay các thực phẩm, đồ uống giải rượu thông thường.

Tổng số người đã xem bản tin này: 270

Trả lời