Nhằm nâng cao kiến thức phòng bệnh giun truyền qua đất cho cán bộ, giáo viên và học sinh thông qua các hoạt động giáo dục truyền thông tại trường học và cộng đồng; Góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm, giảm các gánh nặng bệnh tật do giun truyền qua đất ở học sinh tiểu học trên địa bàn huyện. Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh tổ chức tập huấn phòng chống bệnh giun truyền qua đất ở học sinh tiểu học cho các đối tượng là cán bộ của các Trạm Y tế và cán bộ Y tế các Trường tiểu học trên địa bàn huyện. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án “Phòng chống bệnh giun truyền qua đất ở học sinh tiểu học tại tỉnh Quảng Ninh năm 2018-2019” do Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương triển khai, được tổ chức Give2Asia và Công ty TNHH Johnson & Johnson Việt Nam tài trợ.
Tại buổi tập huấn các giảng viên của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp kiến thức cho các học viên về: Các bệnh giun truyền qua đất như giun đũa, giun tóc, giun móc; Tình hình nhiễm giun truyền qua đất và các biện pháp phòng chống; Kế hoạch, quy trình tiến hành hoạt động tẩy giun cho học sinh dựa vào trường học; Hướng dẫn triển khai hoạt động truyền thông phòng chống bệnh giun truyền qua đất; Hướng dẫn xử lý tác dụng không mong muốn trong quá trình tiến hành hoạt động tẩy giun…
Nhiễm các loại giun truyền qua đất là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến và thường ảnh hưởng đến các cộng đồng có điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu thốn. Nguyên nhân nhiễm các bệnh giun truyền qua đất là do ăn phải trứng giun từ thức ăn bị ô nhiễm, qua rau sống, qua tay bẩn, qua nước uống, đối với giun móc ấu trùng xâm nhập xuyên qua da vào cơ thể và gây bệnh. Các bệnh do giun gây ra nhiều tác hại như: rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, gầy yếu, chậm lớn, ảnh hưởng đến trí tuệ và tinh thần, làm giảm khả năng lao động, gây ra các biến chứng tắc ruột, giun chui vào ruột thừa gây viêm, giun chui ống mật, có thể dẫn đến tử vong.
Để phòng chống các bệnh do giun gây ra thì không chỉ các cơ quan chức năng cần thường xuyên tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền phòng chống giun truyền qua đất, nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh giun sán cho cá nhân và cộng đồng mà bản thân mỗi gia đình, mỗi cá nhân cần thực hiện: Tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng một lần; Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, vườn tược sạch sẽ, chống phát tán mầm bệnh; Mỗi gia đình cần có hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi. Không dùng phân tươi chưa ủ kỹ bón ruộng. Không để ruồi nhặng bậu vào thức ăn. Không để phân gây ô nhiễm môi trường; Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, thường xuyên tắm rửa, không đi chân đất. Không cho trẻ nghịch bẩn và chơi dưới đất. Cắt móng tay, đi dép thường xuyên, sử dụng phương tiện bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất…