Vàng da sơ sinh là do sự tăng nồng độ chất billirubin trong máu (billirubin gián tiếp hoặc billirubin trực tiếp) dẫn đến da hoặc mắt có màu vàng. Đây là vấn đề thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh trong 2 tuần đầu sau sinh và là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ phải nhập viện.  Với trẻ sơ sinh đủ tháng, có khoảng 60% tỉ lệ trẻ có biểu hiện vàng da, tỉ lệ này cao hơn ở trẻ sinh non với 80%.

Phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da thường là nhẹ, thoáng qua, tự giới hạn và khỏi mà không cần điều trị, gọi là vàng da sinh lý. Tuy nhiên, cần phải phân biệt với tình trạng vàng da nặng hơn gọi là vàng da bệnh lý có thể diễn tiến nhanh, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng về nhiễm độc thần kinh, thậm chí gây tử vong ở trẻ và biến chứng thần kinh suốt đời.

Cách phát hiện vàng da ở trẻ sơ sinh?

* Cần quan sát da trẻ hàng ngày, đặc biệt trong vòng hai tuần đầu sau sinh.

*  Bộc lộ toàn thân trẻ và quan sát ở nơi đủ ánh sáng (tốt nhất là ánh sáng mặt trời)

*  Mẹ hoặc người chăm sóc trẻ dùng tay ấn nhẹ lên da từ 2-5 giây, ở ngực, bụng, đùi, cẳng chân, bàn chân của trẻ. Nếu trẻ có vàng da thì khi rút ngón tay ra da sẽ có màu vàng.

*  Vị trí vàng da thường sẽ xuất hiện từ mặt, đến trên rốn, đến đùi, đến cẳng chân (tay), đến bàn chân.

*  Mức độ vàng da có thể từ nhẹ, vừa đến rõ đậm.

Hình A: vàng da toàn thân ở trẻ sơ sinh

Hình B: trẻ sơ sinh có vàng da

Hình C: trẻ sơ sinh không có vàng da

Vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh

Vàng da sinh lý: Vàng da sinh lý thường gặp ở 60% trẻ đủ tháng và 80-100% ở trẻ non tháng tùy tuổi thai. Đây là tình trạng vàng da nhẹ, thoáng qua, tự giới hạn và tự khỏi mà không cần điều trị.

Gọi là Vàng da sinh lý khi tình trạng vàng da ở trẻ thỏa đủ 5 điều kiệu sau:

* Thời điểm xuất hiện sau 24 giờ đầu sau sinh

*Vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lì bì, co gồng,…

*Mức độ vàng da nhẹ, chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn

*Xét nghiệm Bilirubin trong máu : trẻ đủ tháng < 12 mg/dl, trẻ non tháng < 15 mg/dl.

*Hết vàng da sau 01 tuần đối với trẻ đủ tháng và 02 tuần đối với trẻ non tháng.

Mắt vàng ở trẻ sơ sinh

Dấu hiệu cảnh báo vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh

*Vàng da đậm xuất hiện trong 3 ngày đầu, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu sau sinh

*Không khỏi sau 1 tuần ở trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ non tháng

*Vàng da lan nhanh đến đùi hoặc cẳng chân, bàn chân trong những ngày đầu sau sinh.

*Vàng da kèm theo các triệu trúng khác như: Bỏ bú hoặc bú kém, sốt, khóc nhiều, lừ đừ, ngưng thở, thở nhanh, thay đổi thân nhiệt, …

*Xét nghiệm nồng độ Bilirubin trong máu tăng cao hơn mức độ sinh lý Bilirubin gián tiếp > 12 mg/dl (trẻ đủ tháng) và > 15 mg/dl (trẻ non tháng).

Vàng da toàn thân ở trẻ sơ sinh

Hậu quả nếu vàng da bệnh lý không được phát hiện và chữa trị kịp thời

Vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh là tình trạng không thể coi thường vì có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng. Bilirubin rất độc hại đối với tế bào não, vì thế vàng da nặng có nguy cơ khiến Bilirubin đi vào trong não, gây ra nhiều biến chứng thần kinh trầm trọng như não cấp tính do tăng bilirubin, vàng da nhân,…thậm chí gây tử vong hoặc di chứng bại não suốt đời.

  1. Bệnh não cấp do tăng bilirubin:

+ Giai đoạn sớm: trẻ vàng da nhiều, ngủ gà, giảm trương lực cơ, bú kém.

+ Giai đoạn trung gian: trẻ lừ đừ, dễ bị kích thích, có thể sốt, tăng trương lực cơ biểu hiện bằng ưỡn cổ và thân, rung giaatk nhãn cầu.

+ Giai đoạn nặng : hệ thần kinh bị tổn thương và không hồi phục được, biểu hiện bằng tư thế ưỡn cổ – ưỡn người, khóc the thé, không bú được, có cơn ngưng thở, hôn mê, một số trường hợp co giật và tử vong.

  1. Bệnh não mạn do tăng bilirunin (vàng da nhân):

Sau giai đoạn cấp tính, nếu được điều trị, trẻ sống sót nhưng tổn thương tế bào thần kinh nặng nề và không hồi phục. Trẻ có biểu hiện của bại não thể múa vờn, rối loạn thính lực, loạn sản răng, mắt nhìn trần, hiếm gặp thiểu năng trí tuệ và các tàn tật khác.

Bilirubin ngấm vào não gây vàng da nhân

Điều trị vàng da

Hiện nay, tình trạng vàng da sơ sinh được điều trị bởi ba phương pháp chính:

  • Tiếp tục cho ăn sữa: quan trọng vì điều này sẽ thải bilirubin qua phân và nước tiểu
  • Chiếu đèn: là phương pháp điền trị thông thường nhất, và đa số trẻ chỉ cần chiếu đèn để điều trị vàng da
  • Thay máu: cần khi các phương pháp khác không hiệu quả, có dấu hiệu hoặc có nguy cơ cao tổn thương não

Tại TTYT Đầm Hà trẻ có biểu hiện vàng da sẽ được lấy máu xét nghiệm định lượng bilirubin, kiểm tra chức năng gan cơ bản, từ đó định hướng tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra trẻ cũng được siêu âm ổ bụng tìm các bất thường của đường mật và tổn thương nhu mô gan nếu có.

TTYT Đầm Hà đã được trang bị hệ thống đèn chiếu hai mặt điều trị vàng da hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng. Đối với các trẻ bị vàng da bệnh lý mức độ nhẹ hoặc trung bình sẽ được chiếu đèn tại bệnh viện, dưới sự theo dõi của bác sĩ và điều dưỡng. Việc chiếu đèn thường được BS cho thực hiện sớm nên khi trẻ xuất viện thì đại đa số trẻ không còn nguy cơ vàng da nặng. Thời gian chiếu đèn, trẻ vẫn được bú mẹ do vậy tránh mất sữa mẹ do trẻ phải xa mẹ.

Chiếu đèn điều trị vàng da

Theo dõi chăm sóc tại nhà

– Bú mẹ tích cực

– Không nằm buồng tối liên tục, quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng mặt trời mỗi ngày.

– Tắm nắng buổi sáng: Ánh sáng mặt trời chỉ có thể giúp trẻ bị vàng da nhẹ mau hết hơn nhưng không thể điều trị kịp các trường hợp vàng da sơ sinh nặng. Đối với các trẻ mới vàng da nhẹ thì có thể tắm nắng ấm mỗi sáng, nhưng nếu trẻ đã vàng da nhiều thì cần phải nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

– Theo dõi tiến triển màu của da và phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nặng để thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

– Điều trị kịp thời: Trẻ sơ sinh có nồng độ bilirubin cao nên được điều trị ngay để giảm nồng độ bilirubin một cách an toàn và ngăn ngừa nguy cơ tổn thương não, không nên trì hoãn điều trị vì bất kì lý do gì.

Tổng số người đã xem bản tin này: 105

Trả lời