Từ ngày 18/12/2023 đến nay, trên địa bàn xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà ghi nhận 58 trẻ mắc bệnh thủy đậu, trẻ chủ yếu đang trong độ tuổi đi học mầm non và tiểu học. Do phần lớn các gia đình của trẻ mắc bệnh là người dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết còn hạn chế, nên trẻ đã không được đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời và đúng cách.

Các cán bộ Y tế tuyên truyền phòng chống bệnh thủy đậu cho người dân tại xã Quảng Lâm

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về những ca mắc thủy đậu đầu tiên trên địa bàn xã Quảng Lâm, Trung tâm Y tế Đầm Hà đã tiến hành giám sát các ca bệnh trong trường học và cộng đồng; tiến hành điều tra ca bệnh, khoanh vùng và xử lý không để dịch bệnh lây lan.

Đồng thời Trung tâm Y tế đã phối hợp với phòng Y tế huyện, phòng Giáo dục & Đào tạo huyện tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại trường học, đặc biệt là các trường mầm non và tiểu học. Tăng cường chỉ đạo Trạm Y tế xã phối hợp với các trường học thực hiện: Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại trường học cần báo ngay cho cơ sở y tế để triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời; tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị khi trẻ mắc bệnh và biện pháp ngăn ngừa bệnh lây lan; thực hiện các biện pháp khử trùng phòng, chống bệnh như: Đảm bảo lớp học thông thoáng, vệ sinh khử trùng tại các lớp, trường học, đặc biệt là các lớp, trường phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh thủy đậu; thường xuyên vệ sinh, khử trùng dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng các chất khử khuẩn thông thường…

Các thầy, cô giáo tiến hành vệ sinh lớp học
Vệ sinh khử trùng dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng các chất khử khuẩn thông thường

ĐẶC ĐIỂM BỆNH THỦY ĐẬU
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus Varicella-Zoster (VZV), thuộc họ Herpes virus gây ra.
Trên lâm sàng, người mắc thủy đậu có các ban mụn nước, bọng nước nhỏ trên nền dát đỏ phân bố rải rác khắp cơ thể (có thể xuất hiện ở niêm mạc: miệng, hầu họng, mũi, thanh quản, khí quản, âm đạo), sau vài ngày vùng trung tâm mụn nước hơi lõm xuống. Bệnh nhân thường sốt nhẹ, có khi sốt cao trong các trường hợp tổn thương lan rộng. Có thể kèm theo mệt mỏi, hạch sưng đau, viêm long đường hô hấp trên.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh, một số ít lây do tiếp xúc trực tiếp với mụn nước của người bệnh. Thời gian lây bệnh bắt đầu 24 giờ trước khi có ban và kéo dài cho đến khi các mụn nước khô bong vảy (7-8 ngày).
Tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học.
Bệnh thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng trong những trường hợp bị nặng và không được chăm sóc đúng cách, chữa trị kịp thời. Một số biến chứng của bệnh thủy đậu như:
– Viêm da do bội nhiễm vi khuẩn: mụn nước thủy đậu khi vỡ rất dễ gây lở loét da, ngứa đau nhức, nếu không được điều trị tích cực và đúng cách có thể để lại sẹo xấu vĩnh viễn trên da. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bọng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.
– Viêm phổi: là biến chứng nguy hiểm nhất của thủy đậu, thường gặp ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai; thường bắt đầu 3-5 ngày sau khi bắt đầu phát ban, có thể dẫn đến suy hô hấp và ho ra máu.
– Ngoài ra, các biến chứng nặng như biến chứng về thần kinh, rối loạn tiểu não, viêm màng não…là các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt là phụ nữ mang thai khi bị thủy đậu dễ gặp biến chứng gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Vậy nên ngay khi phát hiện các triệu chứng của bệnh thủy đậu, người dân không nên tự ý mua thuốc tự điều trị bệnh thủy đậu, mà phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán nguyên nhân chính xác và có hướng điều trị đúng, kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh thủy đậu trong cộng đồng, Trung tâm Y tế Đầm Hà khuyến cáo người dân trên địa bàn huyện thực hiện như sau:
1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
2. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
3. Khi tiếp xúc với người mắc bệnh, cần đeo khẩu trang, rửa tay sau khi tiếp xúc.
4. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
5. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
6. Tiêm vắc xin phòng bệnh Thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

ĐTC

Tổng số người đã xem bản tin này: 222

Trả lời