Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2024, sáng ngày 21/3/2024, Trung tâm Y tế Đầm Hà tổ chức đến thăm và tặng quà cho 02 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang được quản lý và điều trị lao. Đồng thời, treo băng rôn tại TTYT và 09 Trạm Y tế các xã, thị trấn, tăng cường tuyên truyền trên loa phát thanh nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao, đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt bệnh lao theo đúng tinh thần chủ đề ngày Thế giới phòng chống lao năm 2024: “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”.

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dịch – tiết niệu, lao ruột. Trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục.

Hiện nay, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu người bệnh được phát hiện kịp thời và đến cơ sở điều trị. Vì vậy người bệnh cần tuân thủ điều trị: Đúng phác đồ, đúng liều lượng và đúng thuốc – Đủ thời gian tùy theo loại phác đồ được bác sĩ chỉ định – Phải uống thuốc thật đều đặn hàng ngày, người bệnh không được tự ý ngưng thuốc hoặc bỏ thuốc. Bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị; cần phơi chăn, chiếu, vật dụng ra nắng mỗi ngày. Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

Những người mắc bệnh lao thường có các biểu hiện:
– Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu);
– Người bệnh gầy sút, kém ăn, mệt mỏi;
– Sốt nhẹ về chiều
– Ra mồ hôi “trộm” ban đêm, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở.

Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để được khám, xét nghiệm đờm, chụp Xquang phổi để phát hiện bệnh lao. Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Nếu bị mắc lao, người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ, có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

Năm 2023, Trung tâm Y tế Đầm Hà đã thu nhận, quản lý và điều trị cho 36 bệnh nhân lao. Kết quả tỉ lệ khỏi và hoàn thành điều trị đạt trên 95%, hiện nay TTYT đang quản lý và điều trị cho 16 bệnh nhân lao.

Tổ chống lao Trung tâm Y tế Đầm Hà có nhiệm vụ thực hiện công tác dự phòng, khám và điều trị, phát hiện sớm nguồn bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao, hãy liên hệ bác sĩ Hoàng Hà Khánh – Tổ trưởng tổ chống Lao TTYT Đầm Hà, số điện thoại: 0378.504.788 để được tư vấn và hỗ trợ./.

Tổng số người đã xem bản tin này: 67

Trả lời